Gần 30% cặp vợ chồng ưa chuộng các biện pháp tránh thai truyền thống

ANTD.VN - Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ, Bộ Y tế), vẫn còn gần 30% số cặp vợ chồng ở nước ta ưa chuộng các biện pháp tránh thai truyền thống như xuất tinh ngoài, tính ngày rụng trứng… hơn các biện pháp tránh thai hiện đại.

Một buổi Mít tinh hưởng ứng Ngày Dân số thế giới năm 2018 tại Hà Nội

Hôm nay, 11-7, nhiều quận, huyện của Hà Nội cũng như nhiều tỉnh/ thành trong cả nước đã tổ chức mít tinh hưởng ứng ngày Ngày Dân số Thế giới (11-7-2018) với chủ đề “Thành công của KHHGĐ là tiền đề cho phát triển bền vững”.

Theo thống kê của Tổng cục DS-KHHGĐ, tại nước ta, hiện khu vực Đông Nam Bộ có tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai cao nhất (83,4%) và thấp nhất là ở khu vực Đồng bằng sông Hồng (75,1%), tỷ lệ này ở khu vực thành thị cao hơn nông thôn.

Việc thực hiện các biện pháp tránh thai vẫn chủ yếu là phụ nữ, đây là một biểu hiện bất bình đẳng giới trong lĩnh vực KHHGĐ. Mặt khác, tỷ lệ sử dụng không liên tục các biện pháp tránh thai ở các cặp vợ chồng khá cao (khoảng 32,3%) nên dễ dẫn đến tình trạng “vỡ kế hoạch”, làm gia tăng tỷ lệ nạo phá thai.

Đáng chú ý, các nghiên cứu, đánh giá còn cho thấy, vẫn còn gần 30% cặp vợ chồng ở nước ta ưa chuộng các biện pháp tránh thai truyền thống (xuất tinh ngoài, tính ngày rụng trứng…) hơn các biện pháp tránh thai hiện đại (sử dụng bao cao su, que cấy, miếng dán, màng film diệt tinh trùng…). Tỷ lệ này ở Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực và không được khuyến khích.

Tại Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm Ngày Dân số thế giới năm nay, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành Kế hoạch về việc tổ chức các sự kiện truyền thông trọng điểm về công tác DS-KHHGĐ như: Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; giảm thiểu mất cân bằng giới tinh khi sinh; tăng số người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại; đồng thời triển khai các loại hình cung cấp thông tin, dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số…