Gần 1.800 tỷ xây mới cầu đường sắt và cầu đường bộ qua sông Đuống, dỡ bỏ cầu cũ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo đề xuất, sẽ triển khai xây dựng cầu đường sắt Đuống và cầu đường bộ Đuống để thay thế cho cầu Đuống hiện tại đã xuống cấp nghiêm trọng.

Ban QLDA 6 vừa có tờ trình đề nghị Bộ GTVT thẩm định và phê duyệt Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt sông Đuống) dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.

Dự án có mục tiêu nâng cao năng lực vận tải đường thủy trên hành lang đường thủy số 1 (Quảng Ninh- Việt Trì qua sông Đuống), phát huy tối đa năng lực của các phương tiện có tải trọng lớn, các tàu container thời điểm mực nước cao; xây dựng hoàn trả cầu đường bộ hiện đang đi chung cầu đường sắt (tương đương 1 đơn nguyên theo quy hoạch).

Đơn nguyên còn lại theo quy hoạch Hà Nội sẽ đầu tư vào thời điểm phù hợp để đảm bảo an toàn giao thông và giảm thiểu ùn tắc, cải thiện điều kiện giao thông kết nối qua sông Đuống; đảm bảo an toàn cho các phương tiện đường thủy, đường sắt và đường bộ lưu thông.

Đề xuất xây mới cầu đường sắt và đường bộ qua sông Đuống thay thế cầu hiện tại

Đề xuất xây mới cầu đường sắt và đường bộ qua sông Đuống thay thế cầu hiện tại

Dự án có địa điểm xây dựng tại quận Long Biên và huyện Gia Lâm (TP Hà Nội) liên quan đến cả 3 phương thức vận tải là đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.

Trong lĩnh vực đường thủy nội địa, dự án sẽ nghiên cứu xây dựng mới kè bảo vệ bờ sông Đuống khu vực xây dựng cầu Đuống đường sắt và đường bộ, chiều dài xây dựng mỗi bên khoảng 500m.

Phạm vi nghiên cứu đường sắt thuộc dự án có điểm đầu tuyến tương ứng lý trình đường sắt hiện hữu Km9+010, điểm cuối tương ứng lý trình đường sắt hiện hữu Km10+090; tổng chiều dài đường sắt nghiên cứu khoảng 1.080m.

Đường bộ có điểm đầu tại nút giao đầu cầu Đuống hiện hữu trên đường Ngô Gia Tự, thuộc địa bàn quận Long Biên; điểm cuối tại nút giao giữa đường Hà Huy Tập với đường Phan Đăng Lưu, thuộc địa bàn thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm; tổng chiều dài nghiên cứu khoảng 750m.

Theo đề xuất của Ban QLDA 6, dự án sẽ đầu tư xây mới cầu đường sắt Đuống về phía thượng lưu cách cầu hiện hữu 16,5m (vị trí quy hoạch đường sắt đô thị tuyến số 1), xây mới cầu đường bộ theo quy hoạch để tách cầu đường bộ ra khỏi đường sắt. Trong đó, phương án kết cấu cầu đường bộ và cầu đường sắt sử dụng cầu vòm thép.

Đối với cầu đường sắt sẽ nâng cao độ đỉnh ray lên khoảng 2,75m đảm bảo thông thuyền cấp II tĩnh không hạn chế 50mx7m; cầu đường bộ sẽ có kích thước khoang thông thuyền là 50mx9,5m.

Cầu Đuống cũ sẽ được tháo dỡ các dầm và đập các mố trụ để đảm bảo giao thông đường thủy thông suốt.

Dự kiến tổng mức đầu tư dự án là 1.793 tỷ đồng bằng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Công trình dự kiến triển khai từ năm 2021 và hoàn thành vào năm 2025.

Cầu Đuống được xây dựng từ năm 1902 với công năng kết hợp giao thông đường bộ (quốc lộ 1 cũ) và đường sắt (tuyến Hà Nội - Đồng Đăng). Cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, tĩnh không không đảm bảo thông thuyền…

Đối với giao thông đường sắt, cầu Đuống thuộc khu gian Gia Lâm - Yên Viên của tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng; ga Gia Lâm, ga Yên Viên và khu gian Gia Lâm-Yên Viên là ga, khu gian chuyển tiếp của nhiều tuyến đường sắt đầu mối từ Hà Nội, Hải Phòng đi các tuyến phía Bắc và Tây Bắc và ngược lại.

Năng lực thông qua của khu gian hiện tại là 30 đôi tàu/ngày đêm, theo kế hoạch chạy tàu hiện tại hằng ngày có 14 đoàn tàu khách và khoảng 16 đoàn tàu hàng lưu thông qua cầu.

Cũng theo Ban QLDA 6, việc xây dựng mới cầu Đuống để đáp ứng yêu cầu lưu thông thông suốt cho vận tải đường sắt đã được nghiên cứu trong dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi.

Tuy nhiên, dự án này mới hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi, theo kết quả nghiên cứu khả thi đoạn tuyến từ Hà Nội đến Gia Lâm và kéo dài đến Yên Viên (trong đó có Cầu Đuống) được phân kỳ đầu tư vào các giai đoạn sau của dự án.

Trong thời gian chờ hoàn thành xây dựng cầu Đuống trong dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1, việc nghiên cứu giải pháp cải tạo, nâng cấp cầu Đuống đáp ứng yêu cầu tĩnh không thông thuyền của đường thủy là hết sức cấp bách.