Game bạo lực - khởi nguồn tội ác?

ANTĐ - Vụ án giết người man rợ, cướp hiệu vàng ở Bắc Giang của “sát thủ” Lê Văn Luyện đang vào hồi kết. Nhưng Luyện khai một trong những mục đích cướp là để lấy tiền chơi game Kiếm thế khiến hai luồng ý kiến trái chiều kịch liệt hình thành.

Một “phe” kết tội game!

“Chúng ta cần xem xét lại các trò game online. Nó đang gây ra những hậu quả xấu, đã có rất nhiều thanh thiếu niên do nghiện game mà bất chấp tất cả, kể cả việc giết người, vụ này là bằng chứng thiết thực. Phải cấm các trò chơi online bạo lực ngay”. Bạn đọc Lê Văn Lợi (Loile…@yahoo.com.vn) phản hồi sau bài viết về tội ác của Luyện.

“Sự bùng nổ về internet và game online đã làm không ít trẻ bị ảnh hưởng, nhất là các trò chơi bạo lực” - Bạn đọc Auduongsongvy (hoaly… @yahoo.com.vn) nhấn mạnh.

Trong khi đó, bạn đọc Nhuoc hue (dangcan… @zing.vn) khẳng định: “Tôi cũng là một người chơi game! Tôi chắc chắn rằng đổ lỗi cho game là hoàn toàn đúng! Lúc bình thường thì không sao đến lúc hết tiền khắc biết!”.

Bạn đọc Lê Văn Lợi còn khẳng định: “Đã có nhiều vụ cướp của, giết người vì thiếu tiền chơi game. Mình cũng đã từng chơi game online mình biết sức hút từ nó. Các trò game online bạo lực sẽ làm cho con người ta chai lỳ. Game ngày nay có giao diện như thật, có những cảnh chém giết như thật, máu me kinh người, vậy làm sao ngoài đời những thanh niên chẳng dám giết người vì nó không khác mấy so với trong game”.

“Từ vụ án Lê Văn Luyện và Nguyễn Đức Nghĩa cho thấy do mê chơi game online các đối tượng hành xử như trong trò chơi điện tử. Họ chơi game nhiều, những hành động đó được họ xem và tiếp xúc thường xuyên nên ảnh hưởng tới nhận thức thực tế bên ngoài. Do vậy Nhà nước cần có biện pháp cụ thể siết chặt các trò chơi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đạo đức, giáo dục trẻ em” - bạn đọc Dothanhnga (nga…@gmail.com) viết. Trong khi đó, bạn đọc Nemo (phutnb…@gmail.com) kết luận: “Nên cấm triệt để những game và phim có những cảnh sau: bạo lực, giết người, đua xe, nhậu nhẹt...”.

Đừng “giết” game, game không có tội!

Luồng ý kiến phản ứng lại việc “kết tội” game cũng dữ dội không kém. Khá nhiều bạn đọc khẳng định game không có tội, vì thế đừng tìm cách “giết” game.

“Lê Văn Luyện không phải trẻ nít như vụ án cách đây đã lâu: “Một cháu nhỏ đâm bà ngoại vì nghĩ bà có thể hồi sinh như trong game”. Hắn ta đã gần 18 tuổi, mọi suy nghĩ và hành động đều do hắn thực hiện có chủ đích, có tính toán, hắn ra tay rất tàn độc và dứt khoát. Đổ tất cả tội lỗi cho game online thì thực quá cảm tính và không công minh” - bạn đọc Phạm An An (mun91…@zing.vn) nêu ý kiến.

 “Thất bại trong việc quản lý, giáo dục con cái thì lại đổ tội cho game. Giờ cứ chỉ vì một vài đối tượng giết người khai là có chơi game thì game online phải nhận tội hết sao? Hãy suy nghĩ thật kỹ, cái gì cũng có mặt tốt và mặt xấu, nhưng tôi thấy các vị không nhìn vào mặt tốt của game online từ rất lâu rồi” - bạn đọc Leito Nguyễn (gvn.le…@gmail.com) viết.

Bạn đọc Nguyễn Tiến Lượng (luongnguyen… @gmail.com) phân tích: “Khi trong đầu người ta đã có ý định tiêu cực, lối sống không có kỷ luật, không được dạy dỗ, người ta sẽ phạm pháp bằng bất cứ lý do gì, chứ không chỉ riêng game online. Một kẻ phạm pháp có thể nói: “Cứ như game sai khiến tôi vậy. Tôi làm cái gì chính tôi cũng không biết nữa”. Kẻ đó cũng có thể nói như vậy với bi-a, bar, rượu bia, cờ bạc… Nói thẳng ra, nguyên nhân chỉ là ngụy biện cho sự buông thả của bản thân họ mà thôi”.

“Nếu chỉ vì chơi game mà trở thành tội phạm man rợ như vậy thì xin thưa có khoảng 1/4 thanh thiếu niên Việt Nam là tội phạm man rợ rồi. Tác giả đã chơi game Kiếm thế bao giờ chưa? Nếu chơi rồi sao tác giả không trở thành tội phạm man rợ nhỉ? Còn nếu chưa chơi thì tác giả nên tìm hiểu lại đi nhé, game Kiếm thế không có những cách giết người như thế. Và nếu nó thật sự độc hại như vậy thì bị dẹp lâu rồi” - bạn đọc Sơn (sondn…@yahoo.com) bức xúc viết.

“Game không có tội, bọn ác nhân mới có tội”. Câu này của nhiều bạn đọc là đúng. Tương tự như rượu, nếu dùng một lượng nhỏ thì không những không có hại mà còn là thuốc cho con người. Nhưng quá đà thì giết người lúc nào không hay. Game cũng thế, cũng có rất nhiều game thuần tuý giải trí, không bạo lực. Nhưng sự thật là có quá nhiều game sex và bạo lực vẫn tràn lan, nhất là các game offline. Xem cảnh chém giết trên một số game

offline, nhiều nhà tâm lý thốt lên rằng: “Đúng là một kiểu thực tập giết người”. Với game online đa phần núp dưới hình thức cổ trang, hình thức chém giết cũng “hiền” hơn. Nhưng cần khẳng định rằng sức hút của game khiến con người ta rất dễ bị cuốn vào vòng xoáy mà không phải ai cũng đủ bản lĩnh thoát ra được.

Vì thế, không “giết” game, nhưng cơ quan chức năng nhất định cần siết chặt quản lý loại trò chơi “lợi ít hại nhiều” này. Chúng ta không thể phát triển ngành công nghiệp game bất chấp hậu quả rất đáng sợ của nó.