Gái mại dâm "làm việc" không lương, chỉ có tiền "boa"

ANTD.VN - Tại Hội thảo chính sách về giảm hại trong phòng chống mại dâm, ngày 16-9, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, người bán dâm luôn phải đối diện nguy cơ bị hãm hiếp, bị đánh đập bởi “đầu gấu”, bảo kê; dễ mắc bệnh xã hội, mang thai ngoài ý muốn, khó tiếp cận với dịch vụ y tế, không được điều trị ARV khi nhiễm HIV…

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, Việt Nam hiện có khoảng 161.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, quán café, cửa hàng cắt tóc gội đầu trá hình với hơn 101.000 người hoạt động mại dâm, trong đó có tới 72.000 phụ nữ. Tại những cơ sở kinh doanh này, đối tượng mại dâm thường phải đối mặt với việc bị ép làm việc trong thời gian kéo dài và bạo lực từ “khách làng chơi” nghiện ma túy, say rượu. Đường phố là nơi người bán dâm dễ bị bạo hành nhất và phụ nữ là nhóm đối tượng dễ trở thành nạn nhân của bạo lực nhất. Họ cũng có nguy cơ cao bị nhiễm HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, để lại nhiều hệ lụy về sức khỏe.

Bà Phạm Thị Thanh Huyền, Điều phối viên quốc gia, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, cả người hành nghề mại dâm bước chân vào công việc này một cách tự nguyện cũng có rất ít khả năng kiểm soát các vấn đề về an toàn và sức khỏe. Theo một nghiên cứu mới của ILO, được thực hiện từ các cuộc phỏng vấn sâu với các đối tượng nam, nữ, người chuyển giới bán dâm, trong số 73 người được phỏng vấn, chỉ duy nhất một người cho biết bị lừa để bán dâm. Tuy nhiên, phần lớn đối tượng “làm việc” tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm đều bị chủ kiểm soát việc đi lại và bị giữ giấy tờ cá nhân.

Báo cáo của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội đã chỉ ra rằng, ngoài đối mặt với các vấn đề về an toàn và sức khỏe, các đối tượng hoạt động mại dâm thường không được trả lương mà chỉ có tiền “boa”, thời gian lao động kéo dài, lao động để trả nợ. Điều đáng sợ là phần lớn gái mại dâm đều sử dụng ma túy đá, một số vừa dùng heroin vừa dùng ma túy đá, trong khi không được tiếp cận thuốc cai nghiện.

Người bán dâm luôn đối diện nguy cơ bị hãm hiếp, bị đánh đập bởi “đầu gấu”, bảo kê

Theo ông Chang Hee Lee – Giám đốc Văn phòng quốc gia ILO tại Việt Nam, động cơ chính đưa người bán dâm vào nghề này phần lớn liên quan đến gánh nặng tài chính. Nhiều người đã từng làm các công việc khác trước khi quyết định lựa chọn chuyển sang hoạt động mại dâm vì họ cho rằng đây là sự lựa chọn tốt hơn các lựa chọn mà họ có tại thời điểm đó. Để đảm bảo các vấn đề về an toàn, sức khỏe, giảm hại trong phòng, chống mại dâm, các chuyên gia khuyến nghị một số giải pháp cần áp dụng cho ngành công nghiệp giải trí. Do nhiều đối tượng “lao động tình dục” và cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí có thể tham gia vào hoạt động mua bán dâm nên việc giải quyết các vi phạm về an toàn, sức khỏe tại những nơi này cần được xem là một phần chính sách trong chương trình giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm khẳng định, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác phòng, chống mại dâm, không để hoạt động mại dâm gia tăng gây bức xúc trong xã hội. Chương trình hành động phòng chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 đang được triển khai nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của xã hội trong công tác phòng chống mại dâm. Chương trình cũng đặt ra mục tiêu giảm thiểu tác hại của tệ nạn mại dâm đối với đời sống xã hội, đảm bảo quyền tiếp cận với các dịch vụ xã hội của người bán dâm, tạo cơ hội cho họ thay đổi cuộc sống, hòa nhập cộng đồng bền vững. Đồng thời, Chương trình bước đầu cung cấp các biện pháp giảm hại để người hoạt động mại dâm có khả năng tự bảo vệ mình. Người hành nghề mại dâm bước đầu được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ như chăm sóc sức khỏe, tư vấn luật pháp… góp phần giảm các bệnh xã hội, HIV.