Công an Hà Nội vào “chiến dịch” cấp 6 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử (2):

Gác việc nhà, dồn tâm - trí - lực cho nhiệm vụ lớn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhận thức rõ ý nghĩa đặc biệt quan trọng của “chiến dịch” cấp Căn cước công dân, nhiều ngày, tháng qua, lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cảnh sát khu vực của Công an Thủ đô đã gác việc nhà, dồn mọi tâm - trí - sức lực cho nhiệm vụ lớn; đúng như yêu cầu, chỉ đạo của Giám đốc CATP: quyết tâm hoàn thành vượt tiến độ, chất lượng cao, bằng danh dự của lực lượng Công an nhân dân, Công an Thủ đô.
Những ngày này, các đơn vị Công an cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội luôn sáng đèn, phục vụ nhân dân

Những ngày này, các đơn vị Công an cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội luôn sáng đèn, phục vụ nhân dân

Áp lực tích cực

Ngày 3-3-2021, lãnh đạo Bộ Công an tin tưởng, giao CATP Hà Nội đến ngày 5-6-2021 sẽ hoàn tất các thủ tục cấp CCCD gắn chíp cho hơn 6,5 triệu công dân có hộ khẩu thường trú và tạm trú trên địa bàn Thủ đô.

Thiếu tá Nguyễn Thành Lâm - Phó trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, CATP Hà Nội nhìn nhận, trong 10 tỉnh, thành phố được Bộ Công an lựa chọn là địa bàn trọng điểm trong “chiến dịch” cấp CCCD gắn chíp điện tử, Hà Nội là địa phương được giao chỉ tiêu cao nhất và thời gian thực hiện ngắn nhất. Khó khăn nhiều, áp lực lớn, song toàn lực lượng nhận thức rõ, đây là áp lực tích cực, là động lực để từng cán bộ, chiến sĩ, mỗi quận, huyện, thị xã nỗ lực hoàn thành chất lượng nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của năm công tác 2021.

Thiếu tá Nguyễn Thanh Lâm cho biết, từ ngày 1-3-2021, khi CATP Hà Nội bước vào đợt “cao điểm trong cao điểm”, anh cùng các đồng chí trong ban chỉ huy phòng, nhất là Đại tá Ngô Duy Thắng - Trưởng phòng, đều về nhà khá “sớm”, khi thời gian đã qua ngày mới được vài giờ.

Từ ngày 1-3, để đảm bảo tiến độ cấp CCCD gắn chip cho 6,5 triệu công dân, thực hiện mệnh lệnh của Giám đốc CATP, tất cả các trụ sở tiếp công dân của CATP hoạt động từ 7h30 đến 22h30. Song trên thực tế, nhiều đơn vị cơ sở đều tiếp nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chíp điện tử của công dân đến 23h, thậm chí có ngày đến 1h30 sáng hôm sau. Việc kéo dài thời gian làm việc không chỉ tại các trụ sở mà ở các điểm cấp lưu động cũng tương tự như vậy, nên nhiều khi, cán bộ quay về đến trụ sở đơn vị, “đổ” dữ liệu vào máy tính để sớm mai lại làm việc bình thường và về nhà, đã là rạng sáng hôm sau.

Giai đoạn đầu, CATP Hà Nội có 31 bộ thiết bị mới được trang cấp và 65 bộ thiết bị của dự án CCCD cũ, được Bộ Công an hỗ trợ cài đặt theo công nghệ mới. Tới đây, CATP Hà Nội tiếp tục được trang cấp thêm 110 bộ thiết bị vân tay, và tự trang bị thêm các thiết bị máy tính, máy ảnh đi kèm, nâng tổng số bộ thiết bị lên 200 bộ. Theo chỉ huy Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, mỗi bộ thiết bị cần 10 cán bộ, chiến sĩ thực hiện vận hành; 1 kíp gồm 5 người, chia 3 ca hoạt động liên tục.

Về lý thuyết, nếu kíp làm ca sáng thì chiều nghỉ và tối tiếp tục để ca sáng hôm sau được nghỉ. Trên thực tế, để vận hành số máy cấp CCCD này, cần tới 2.000 cán bộ, chiến sĩ. Thế nên để đáp ứng yêu cầu công tác, nhiều cán bộ, chiến sĩ phải làm việc 15 tiếng/ngày là hết sức bình thường. Để giảm áp lực, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã có kế hoạch đề nghị Công an cơ sở tăng cường 1.500 cán bộ, chiến sĩ từ các đội nghiệp vụ, Công an phường, xã, thị trấn, và phải là những cán bộ có kỹ năng chuyên môn tốt, đáp ứng nhanh yêu cầu công tác cấp CCCD, tham gia thực hiện “chiến dịch”.

Phục vụ đến người dân cuối cùng mới nghỉ

22h30 ngày 2-3; trụ sở Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an quận Đống Đa (số 119B Thái Hà); rất đông người dân đang tập trung chờ làm thủ tục cấp CCCD mới. Theo thông báo giờ làm việc tại khu vực cổng của đơn vị, người dân được phục vụ từ thứ hai đến chủ nhật, tối từ 18h30 đến 22h30. Tuy nhiên, do nhu cầu của người dân, đặc biệt là các công dân đủ 14 tuổi cần làm CCCD rất lớn, nên chỉ huy Công an quận Đống Đa đã chỉ đạo các đơn vị tinh thần: “làm hết việc chứ không hết giờ; phục vụ đến người dân cuối cùng mới nghỉ”.

Để thuận tiện cho người dân và tuân thủ công tác phòng chống dịch bệnh, Công an quận Đống Đa bố trí sắp xếp người dân ngồi chờ làm việc tại 2 tầng; tiếp nhận thủ tục tại tầng 1 và thực hiện lăn tay, chụp ảnh ở tầng 2.

Riêng trong tối khuya 2-3, cán bộ, chiến sĩ đã tiếp nhận 171 hồ sơ làm thủ tục cấp CCCD. Đó là chưa kể các tổ cấp lưu động về từng phường, và đến ngày 4-3, có thêm 1 điểm tiếp nhận hồ sơ, cấp CCCD tập trung, tại trụ sở Công an quận: số 392 Khâm Thiên.

Tinh thần “Hết việc, không hết giờ” đã và đang không chỉ ở những địa bàn nội thành, mà cả ở những huyện xa như Phú Xuyên, Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất… Thiếu tá Dương Thùy Dương - Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện Phú Xuyên cho biết, Công an huyện triển khai 2 mô hình cấp CCCD gắn chíp, một tại trụ sở Công an huyện và một lưu động các xã. Ở giai đoạn 1 của “chiến dịch”, cán bộ, chiến sĩ đã làm việc đến khi hết công dân, không theo giờ hành chính; và từ 1-3, thời gian phục vụ nhân dân thêm ca tối, “sớm nhất” hoàn tất vào 23h30.

Khác với những quận nội thành, nhiều người dân ngoại thành chưa quan tâm tới giấy tờ tùy thân. Thế nên Công an xã đã đi từng nhà, phát thông báo, mời người dân ra trụ sở để làm thủ tục cấp CCCD gắn chíp.

“Ăn tranh thủ, nghỉ tranh thủ, mỗi cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, cũng như Công an các xã, thị trấn quyết tâm cao nhất hoàn thành nhiệm vụ, kịp tiến độ chung của CATP”, Thiếu tá Dương Thùy Dương bày tỏ.

Tập huấn, trang bị kỹ năng tinh thông cho lực lượng làm nhiệm vụ

Bắt tay triển khai “chiến dịch” cấp CCCD gắn chíp điện tử, Công an quận Đống Đa phối hợp với Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã tổ chức tập huấn công tác cấp CCCD theo công nghệ mới cho lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính và trật tự xã hội và Cảnh sát khu vực của Công an 21 phường. Việc tiếp nhận làm thủ tục cấp CCCD được Công an quận thực hiện cấp lưu động và cấp cố định tại 2 trụ sở thuộc Công an quận. Đối với Công an 21 phường, mỗi phường sẽ chủ động bố trí thời gian để phục vụ tiếp nhận nhu cầu về căn cước của công dân; và mỗi ngày thời gian tiếp nhận hồ sơ đảm bảo ít nhất 10 tiếng”.

Đại tá Võ Hồng Phương (Trưởng Công an quận Đống Đa)

Cảm phục, chia sẻ với nỗ lực và vất vả của lực lượng Công an

Sau khi được Công an phường thông báo chủ trương về việc Công an quận giải quyết thủ tục hành chính, cấp CCCD vào buổi tối, tôi rất phấn khởi. Tôi cảm nhận được đây là nỗ lực, tâm huyết rất lớn của lực lượng Công an nói chung và Công an quận Đống Đa nói riêng trong việc phục vụ nhân dân tại cơ sở, không quản ngại khó khăn, vất vả.

Hôm nay, tôi đến đây để cấp đổi CCCD mới từ chứng minh nhân dân 9 số; cùng với đó, tôi cũng đưa 5 cháu học sinh đủ 14 tuổi ở cùng tổ dân phố đi làm CCCD. Tôi được các đồng chí Công an hướng dẫn tận tình, chu đáo nên hồ sơ được giải quyết nhanh chóng, không phải mất nhiều thời gian như trước. Người dân chúng tôi ghi nhận và cảm ơn các chiến sĩ Công an đã tận tụy vì nhân dân phục vụ”.

Ông Hoàng Ngọc Chức (Tổ dân phố 4, phường Trung Liệt, quận Đống Đa)

(Còn nữa)