Gã thợ hồ trốn truy nã chối bỏ vợ con

ANTĐ - Ngồi trong phòng hỏi cung của Công an Đăk Lăk sau gần 10 năm lẩn trốn lệnh truy nã, đôi mắt của gã lúc nào cũng cụp xuống trốn tránh cái nhìn của mọi người. Nhưng khi hỏi trúng mạch, gã bắt đầu kể về cuộc đời mình trong nước mắt. Gã là Lê Quang Hoàn (42 tuổi, ở huyện Cưm’gar, tỉnh Đắk Lắk), đối tượng bị Công an huyện Cư M’gar (Đăk Lăk) truy nã từ gần 10 năm trước…

Đối tượng Lê Quang Hoàn

Hành trình chạy trốn

Là con trai trong một gia đình nông dân nghèo. Thủa nhỏ Hoàn học giỏi và khôn ngoan nhất so với mấy anh chị em trong nhà. Bố mẹ gã từng hy vọng sau này Hoàn sẽ học hành nên người để “đổi vận” và làm rạng danh gia đình. Tuy nhiên, thầy cô, mái trường đã sớm phai nhạt trong suy nghĩ của Hoàn, bao nhiêu hy vọng của bố mẹ cũng tiêu tan khi mới học hết lớp 5, Lê Quang Hoàn phải bỏ học để đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Sau khi gia đình đi kinh tế mới vào Tây Nguyên những năm 1980, cũng không thể ngờ được, chỉ vài năm bước vào trường đời, Hoàn đã thành đại ca của nhóm giang hồ quê lúa. Gã kể rằng vì ngày đó gã hay đánh nhau. Tính gã cứ thấy trái tai, gai mắt, đôi khi không phải chuyện của mình cũng dùng nắm đấm. Thỉnh thoảng gã còn tụ tập đám đàn em đi giải quyết ân oán. Nhưng đó là hồi còn thanh niên ngoài 18 thôi! Gã bắt đầu về cuộc đời mình như thế bằng cái cười đầy gượng gạo khi phải nhắc lại chuyện cũ. 

Hơn 9 năm về trước, trong một buổi ăn nhậu, gã có mâu thuẫn với đám bạn. Thấy 2 bên xô xát có nguy cơ dẫn tới đổ máu nên anh Nguyễn Hữu Kiên là người trung gian ở giữa tới can ngăn, kéo tuột hắn ra khỏi đám đông tránh đòn. Bị dồn vào khu bếp, lại có sẵn máu giang hồ trong người nên Hoàn dùng dao bầu đâm anh Kiên thấu ngực rồi bỏ trốn. Gã đã lang bạt khắp nơi để trốn công an. Hang  cùng ngõ hẻm nào gã cũng tìm đến nhưng chẳng chỗ nào được yên thân vì lệnh truy nã đã có ở khắp nơi. Gã bảo, lúc đó cũng nhờ cái “uy” lớn nên mỗi lần cái tên gã xuất hiện ở đâu thì các bạn bè của gã lại cho ít tiền để lẩn trổn. 

Sau khi lang bạt tứ chiếng nhiều nơi trong miền Nam, gã tới Đồng Nai vì nghĩ rằng nơi ấy đất rộng người đông sẽ không ai tìm ra mình. Hoàn đi làm thợ hồ, kiếm tiền tằn tiện sống qua ngày. Mỗi khi có ai hỏi về mình, gã lại lấy cớ nói rằng cuộc sống ở quê nhà khó khăn nên phải tha phương cầu thực rồi lưu lạc tới mảnh đất này. Cảm thương người đàn ông phải lận đận, một nữ công nhân ở vùng đất đỏ Đồng Nai đã có tình cảm với gã. Đang cần một tổ ấm để che đậy cho quá trình lẩn trốn của mình, cũng như cần người nương tựa nên gã cũng đáp lại tình cảm ấy. Thế là hai người dọn về sống với nhau như vợ chồng, nhưng không đăng ký kết hôn, rồi sinh được một đứa con trai kháu khỉnh.

Trong suốt thời gian sống ở đây, người dân địa phương chỉ biết đến gã là người lành tính, chịu thương, chịu khó nên rất yêu mến, gã không bao giờ to tiếng với mọi người. Đặc biệt gã rất thương con. Có lẽ từ trong sâu thẳm gã hiểu rằng cuộc đời gã đã không còn nhiều thời gian nữa. Gã muốn dành tất cả mọi sự tốt đẹp nhất cho gia đình, cho đứa con của mình. Gần mười năm lẩn trốn lưu lạc khắp nơi, gã đã tưởng tội lỗi gây ra trước đây mọi người không ai còn nhớ nữa, gã đã tưởng có thể làm lại cuộc đời mà không phải trả giá cho những lỗi lầm đã gây ra. Nhưng rồi lưới trời lồng lộng, gã đã chẳng thể nào thoát được sự truy nã của pháp luật. Đến lúc này, mọi người mới thực sự sửng sốt khi biết rằng người đàn ông hiền lành này là đối tượng trốn truy nã toàn quốc suốt gần 10 năm qua.

Chối bỏ vợ con để chạy tội

Gần 10 năm truy tìm tung tích đối tượng, nhưng dấu vết của Lê Quang Hoàn vẫn bặt vô âm tín khiến các điều tra viên sốt ruột. Cục Cảnh sát truy nã tội phạm đã vào cuộc rà soát quan hệ họ hàng liên quan đến kẻ bị truy nã từ những thông tin Công an tỉnh Đắk Lắk cung cấp. Khi đó các trinh sát phát hiện, Hoàn có 2 người thân đang học, làm việc tại TP.HCM. Thế nhưng ngay cả những người thân của gã cũng không có chút tin tức gì từ ngày gã gây tội ác rồi bỏ trốn. Quá trình truy lùng, cộng với sự vận động người thân đối tượng diễn ra nhiều năm trời nhưng vẫn chưa thành công. Thế rồi một ngày đầu tháng 4-2014, hay tin người thân của gã này sắp làm đám cưới, cảnh sát được lệnh hóa trang, mật phục để bắt giữ nếu Hoàn xuất hiện ngay trong đám cưới. Tiệc cưới diễn ra, các trinh sát “cài” trong đám cưới nhưng vẫn không thấy bóng dáng đối tượng xuất hiện, nhận định có thể đối tượng đã đánh hơi được bị phục kích bắt giữ nên không đến. Thế nhưng 3 tiếng đồng hồ sau, Hoàn bất ngờ xuất hiện. Để tránh cho tiệc cưới không bị gián đoạn và ảnh hưởng bởi cuộc vây bắt này, các điều tra viên đã bí mật tiếp cận đối tượng rồi yêu cầu Hoàn về cơ quan công an trong sự kiểm sát gắt gao. Biết mình đã bị phát hiện, Hoàn hơi bất ngờ một chút nhưng lặng lẽ theo các điều tra viên về cơ quan điều tra. Tuy nhiên, sau khi bị đưa về trụ sở cảnh sát làm việc, Hoàn lại một mực phủ nhận rằng mình không phải là người đang bị truy nã. 

Sau gần một ngày tích cực đấu tranh, cơ quan chức năng thấy Hoàn là một đối tượng ngoan cố, nên đã mời vợ con Hoàn đến để nhận diện. Thế nhưng lại càng bất ngờ hơn khi chính Hoàn một mực chối bỏ vợ và đứa con trai của mình. Gã bảo rằng không quen biết hai người ấy, mặc dù đứa bé hơn 3 tuổi thấy gã đã gọi gã là cha, và người vợ cũng xác nhận điều đó. Sau một ngày đấu tranh căng thẳng, cuối cùng trước những chứng cứ không thể chối cãi, Hoàn đã phải cúi đầu nhận mình chính là kẻ gây ra tội lỗi gần mười năm trước, trốn truy nã khắp nơi.

Ngồi trong phòng hỏi cung, Lê Quang Hoàn không còn cái vẻ ngang tàng như thủa nào. Thay vào đó là thái độ thành khẩn. Hoàn bây giờ đã suy sụp, khuôn mặt khắc khổ hơn vì nỗi lo mưu sinh, tóc đã lấm tấm sợi bạc. Gã thổ lộ rằng chừng ấy năm lẩn trốn, lúc nào gã cũng sống trong nỗi âu lo về một ngày bị bắt. Nhưng đau đớn hơn là việc gã không thể trở về nơi chôn nhau cắt rốn, nơi quê hương bản quán của mình. Đứa con của gã đã không biết bao nhiêu lần hỏi về quê nội mà gã không biết trả lời ra sao. “Nhiều lần tôi muốn nói ra tất cả với vợ con, nhưng rồi lại không thể vị sợ tất cả bị tổn thương. Tôi dự định sau khi con trai lớn thêm chút nữa, sẽ nói hết mọi chuyện rồi về đầu thú. Nhưng không ngờ cái ngày ấy đến nhanh quá!”, gã nói mà rưng rưng nước mắt. Hành trình gần 10 năm trốn chạy kết thúc, trong từng ấy năm dù Hoàn không gây thêm tội danh nào nhưng gã vẫn phải trả giá vì hành vi của mình. Giọt nước mắt hối hận muộn màng sẽ không giúp gì được cho gã khi những lỗi lầm trước đó gã trót gây ra là không thể tha thứ. Ngồi trước các điều tra viên, tại phòng thẩm vấn, gã kể về cuộc tình đầy hạnh phúc của mình với người vợ trẻ tuổi cùng đứa con trai nhỏ như một sự tiếc nuối còn sót lại…

Những ngày sắp tới, chắc chắn Hoàn sẽ phải trả giá cho những hành vi của mình. Như gã bảo, giá như hồi ấy gã dũng cảm quay về đầu thú, có lẽ đã được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, đến khi ra tù, gã cũng sẽ có một gia đình với người vợ hiền lành và những đứa con thơ mà không phải canh cánh nỗi lo âu về những ngày phải trả giá. Có lẽ, nếu gã làm được những điều như gã nghĩ bây giờ, thì có lẽ cuộc đời hẳn đã khác. Lúc bị bắt, gã chỉ thấy tội cho người vợ trẻ và đứa con thơ bỗng chốc phải đối mặt với sự thật ngỡ ngàng, chua xót.