Ga tàu điện ngầm C9 ở hồ Hoàn Kiếm: Nên tịnh tiến về phía lòng đường Đinh Tiên Hoàng

ANTD.VN - Bộ VH-TT&DL đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu tịnh tiến thân ga ngầm C9 của tuyến đường sắt đô thị số 2 về phía lòng đường Đinh Tiên Hoàng để hạn chế tối đa sự ảnh hưởng đến Tháp Bút và cảnh quan hồ Hoàn Kiếm. 

Bộ VH-TT&DL vừa có văn bản về việc bố trí cửa lên xuống số 3 và số 4 của ga ngầm C9, thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, thành phố Hà Nội.

Cụ thể, Bộ VH-TT&DL thống nhất với việc bố trí cửa lên xuống số 3 của ga ngầm C9 theo phương án 1, cửa lên xuống số 4 theo phương án 2.

Đối với thân ga C9, Bộ VH-TT&DL đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu tịnh tiến thân ga về phía lòng đường Đinh Tiên Hoàng để hạn chế tối đa sự ảnh hưởng đến Tháp Bút và cảnh quan hồ Hoàn Kiếm.

Đây là căn cứ để UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu thực hiện.

Ga tàu điện ngầm C9 nằm ở khu vực hồ Hoàn Kiếm được dư luận đặc biệt quan tâm

Trong tổng số 10 ga của dự án đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt vị trí 8/10 ga. Trong đó, nhà ga C9 (ga ngầm) được lựa chọn vị trí ở khu vực hồ Hoàn Kiếm, đoạn trước Tổng Công ty Điện lực Hà Nội. Đây là kết quả quá trình nghiên cứu thận trọng và lâu dài của các cơ quan chuyên môn của thành phố, được sự thống nhất ý kiến của rất nhiều cơ quan, đơn vị, bộ ngành liên quan và phù hợp với các quy hoạch và hướng tuyến đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Theo đại diện Sở QH-KT Hà Nội, ga C9 sẽ có 4 lối lên xuống. Các lối lên xuống này phải đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chí của ngành đường sắt và các yêu cầu khác như cứu hộ, cứu nạn, phòng cháy chữa cháy; phù hợp với cảnh quan khu vực và phát huy được hiệu quả của nhà ga… Ở khu vực đặc biệt quan trọng hồ Hoàn Kiếm, yếu tố quan trọng hàng đầu là phải ít ảnh hưởng nhất tới cảnh quan di tích lịch sử này.

Lối thứ nhất nằm trong Tổng Công ty Điện lực Hà Nội. Lối thứ hai nằm trên phố Trần Nguyên Hãn, trong khuôn viên Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc. Lối thứ ba dự kiến đặt ở khu vệ sinh công cộng hiện có ở phía hồ Hoàn Kiếm (rộng khoảng 100 m2). Nếu được triển khai sau này, khu nhà vệ sinh này sẽ không còn và được bố trí trong phạm vi ga ngầm. Lối thứ tư nằm phía sau Tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh (khu vực đền Bà Kiệu) – rộng khoảng 68 m2.

Hai lối lên xuống số 3 và 4 đều nằm trong khu vực bảo tồn của di tích lịch sử quốc gia hồ Hoàn Kiếm nên khi tính toán vị trí đặt, các cơ quan chuyên môn phải nghiên cứu rất kỹ. Theo dự kiến ban đầu, hai lối lên xuống này sẽ không bố trí mái che, chỉ có lan can đơn giản đảm bảo an toàn xung quanh kết hợp với cây xanh, để làm sao ít ảnh hưởng nhất tới cảnh quan hồ Hoàn Kiếm. Với vị trí gần khu vực Đền Bà Kiệu, trong quá trình nghiên cứu, sẽ kết hợp với việc triển khai tuyến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, thành phố Hà Nội là tuyến đường sắt đô thị kết nối khu đô thị mới với khu vực trung tâm thành phố. Giai đoạn 1 của tuyến 2 (tổng chiều dài 11,5 km) đi qua các quận, huyện Từ Liêm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Ba Đình và Hoàn Kiếm. Hệ thống nhà ga gồm: 3 ga trên cao (C1-C3 và cầu cạn, dài 2,6km), 7 ga ngầm (C4-C10 và hầm ngầm, dài 8,9km).