Ga-lăng cũng phải có... ngưỡng

(ANTĐ) - Ga-lăng (Galant), một từ Pháp được quốc tế hóa rất quen thuộc trong giao tiếp tiếng Việt. Trong kho từ vựng của giới trẻ bây giờ, chắc chắn là từ “ga-lăng” được sử dụng với một tần số không phải là thấp.

 Thậm chí, nó còn được coi là “thước đo” cho phong cách đàn ông sành điệu. Tôi đã nghe một cậu bé vừa phụng phịu, vừa vùng vằng hờn dỗi khi ông bố không chịu mua đồ chơi theo ý muốn của cậu: “Bố ki bo thế! Chẳng ga-lăng tẹo nào. Bố bạn Nhung lớp con mua cho con toàn đồ chơi xịn nhé...”. Ông bố hiền lành ngơ ngác rồi tròn mắt ngạc nhiên. Chắc ông đang lúng túng, bấm bụng im lặng vì chẳng rõ nghĩa của từ ga-lăng thế nào.

 

Ga-lăng không phải là sự sĩ diện, bốc đồng nhất thời (Ảnh minh họa) 

Trong tiếng Pháp, galant có 2 nghĩa: 1. Lịch sự với phụ nữ; 2. Duyên dáng, tình tứ, hào hoa, phong nhã. Nhưng nói chung, người ta thường nghiêng về nghĩa 1, tức là thường nói về thái độ ứng xử lịch sự, hào hoa của cánh đàn ông đối với phụ nữ. Điều này là không phải bàn cãi, vì nói chung mọi người, nhất là trong thời đại văn minh tiên tiến, việc các đấng nam nhi cần tỏ ra trân trọng, ứng xử lịch thiệp, chiều chuộng đối với phái đẹp là cần, thậm chí rất cần. Sự tôn trọng vẻ đẹp là một phần làm nên nhân cách.

Người ta nói rằng, nhân cách và tính cách của nam giới một phần được thể hiện qua các hành vi ứng xử đối với phụ nữ. Thế thì chàng trai nào trên đời này chẳng muốn nhận mình là ga-lăng. Trong cuộc sống ai cũng từng chứng kiến những cách ứng xử lịch thiệp, độ lượng của đàn ông đối với phụ nữ. Có rất nhiều hành vi đẹp, nhân văn, đáng để chúng ta học tập.

Một cô gái đang đi xe máy trên đường phố, chẳng may té ngã. Đồ dùng, gương lược, tài liệu cô mang theo tản mát lung tung. Gắng đau ngồi dậy, chưa kịp định thần thì bỗng nhiên một chàng trai đi đường vội dừng xe lại. Anh nhẹ nhàng đỡ cô lên, cẩn thận nhặt hết đồ đạc giấy tờ cho cô. Vừa rút mùi xoa lau vết bẩn trên cánh tay cô, anh vừa ân cần hỏi xem cô có cần giúp đỡ gì không. Chỉ khi cô sửa soạn xong và trở lại một trạng thái bình thường anh mới chịu ra xe mình đi tiếp. Hành động đó của chàng trai thật đáng khâm phục. Và nếu nói là anh thật sự ga-lăng cũng được.

Hay trên một chuyến xe buýt, có một phụ nữ nom dáng tất tả, mệt mỏi bước lên. Trên xe đã kín chỗ. Đột nhiên, có hai anh thanh niên bước khỏi ghế của mình, nhẹ nhàng mời chị ngồi. Một anh còn ý tứ cất giùm túi đồ nặng, cồng kềnh của chị vào chỗ an toàn nhất, với lời lẽ nhẹ nhàng, từ tốn, lịch sự. Trong cuộc sống, có biết bao tình huống cảm động như vậy và có khi còn hơn thế nữa. Rõ ràng, ga-lăng đích thực là một hành vi có giá trị trong cuộc sống.

Song, dường như có lúc, hành vi được coi là ga-lăng hơi bị lạm dụng. Trước hết, điều này xuất phát từ phía các chàng trai. Vì muốn làm vừa lòng các thanh nữ, tỏ ra chịu chơi, nhiều chàng công tử đã nổi máu “yêng hùng” với người đẹp. Họ săn đón, chiều chuộng, cung phụng các “cô em” tới độ “quá mức cần thiết”. Nàng chỉ hơi khó chịu một chút là chàng lập tức tìm cách thể hiện mình ngay. Nào mua thuốc bắt nàng uống, mua thức ăn ngon bắt nàng ăn. Có những thứ quà ngay cả nghĩ tới thôi nàng cũng chưa dám chứ đừng nói tới chuyện nàng cần. Ấy vậy mà chàng lập tức gợi ý và bỏ ngay ra một số tiền lớn mua tặng cho bằng được. Lời lẽ của chàng thì, nhẹ nhàng và ngọt ngào tới mức... sáo rỗng. Đến nỗi cô em được khen có khi đỏ mặt lên vì ngượng.

Mà điều đáng nói nữa là, các chàng chỉ đắm đuối, theo đuổi các nàng một cách phù phiếm, mải mê chứng tỏ tài khéo léo, sự hào phóng “ga-lăng” hết mực của mình ở tận đẩu tận đâu, còn các phụ nữ khác rất gần, như chị em bạn bè cùng nơi công tác, thậm chí ngay cả mẹ và chị em gái thân thiết của mình - những phụ nữ rất đáng quan tâm - thì các chàng chẳng chịu ngó ngàng, có khi còn nặng lời, thô lỗ với họ. Chỗ thì mưa đi mưa lại, chỗ thì chờ mãi chẳng có giọt nào. “Xấu đều hơn tốt lỏi”. “Ga-lăng” kiểu ấy thì quả là đáng trách.

Trên một số báo Thế giới Phụ nữ gần đây, mấy cô gái Việt Nam thi nhau ca ngợi các chàng ngoại quốc. Một cô (tên Giáng Tiên), hồn nhiên kể về anh bạn Ross của cô: “Khi gặp Ross, anh ấy cư xử như tôi là bà hoàng vậy. Anh ấy tôn trọng tôi, lắng nghe và chiều theo những gì tôi muốn”. Tôn trọng như thế nào? Một cô khác (tên Kim Khánh) nói: “Cho đến ngày tôi gặp William trên một chuyến bay về Việt Nam... Nửa năm sau, anh ấy cầu hôn mình với một chân quỳ xuống... Chính lúc đó, trái tim mình bị rung động mạnh”. Có lẽ chán với cách ứng xử kém cỏi của các chàng trai Việt Nam, cô Giáng Tiên than thở: “Không hiểu sao đàn ông Việt Nam mình không thể “ga-lăng” theo kiểu phương Tây?”. Nhập gia tùy tục. Cái gì cũng cần phải có chừng mực. Quan niệm như mấy cô trên quả là còn “Tây hơn cả Tây” (!).