G8 - an ninh lu mờ kinh tế

ANTĐ - Các nhà lãnh đạo G8 rời khu nghỉ dưỡng Lough Erne ở Bắc Ireland (Vương quốc Anh) với những bất đồng sâu sắc về vấn đề Syria. Bất đồng này đã làm lu mờ các thoả thuận quan trọng về kinh tế đạt được.

Lãnh đạo các nước G8 vẫn bất đồng sâu sắc về vấn đề Syria

Hội nghị thượng đỉnh 8 quốc gia công nghiệp phát triển nhất thế giới (G8) năm nay khép lại với những thoả thuận quan trọng về kinh tế. Đó là nhất trí khởi động tiến trình đàm phán về Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP), đưa ra nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống trốn thuế và gian lận thuế...

Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn tiếp tục hồi phục mong manh sau cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất hơn 7 thập kỷ qua và châu Âu chìm đắm trong cuộc khủng hoảng nợ công, việc lãnh đạo G8 nhất trí tiến hành vòng đàm phán đầu tiên về TTIP vào ngày 8-7 tới tại Thủ đô Washington (Mỹ) được xem là tạo cú hích cả về tinh thần lẫn thực tế thúc đẩy kinh tế thế giới sớm thoát khỏi giai đoạn u ám. Thế nên, nhìn nhận về triển vọng TTIP có thể hoàn tất sau 18 tháng đàm phán, Thủ tướng chủ nhà David Cameron cho rằng TTIP là “hiệp định thương mại song phương lớn nhất trong lịch sử”.

Việc lãnh đạo G8 thống nhất đưa ra các biện pháp nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống trốn thuế và gian lận thuế đã mở ra cơ hội để giải quyết một trong những tình trạng khiến cả Mỹ và châu Âu đau đầu từ nhiều năm nay. Hiện thu ngân sách của Mỹ và các nước châu Âu mất mát tới hàng trăm tỷ USD mỗi năm do trốn, gian lận thuế trong khi cả thế giới có khoảng 32.000 tỷ USD được găm giữ tại các tài khoản ở những quốc gia được coi là “thiên đường trốn thuế”.

Thành công về kinh tế của Hội nghị thượng đỉnh G8 tại Lough Erne rất đáng kể song lại được rất ít đề cập tới trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Đề cập tới nội dung và kết quả Hội nghị thượng đỉnh G8 năm nay là tràn ngập các thông tin về mối bất đồng quanh vấn đề an ninh nóng bỏng Syria giữa Nga với 7 quốc gia còn lại trong G8.

Trước hội nghị thượng đỉnh năm nay, Mỹ và các đồng minh trong G8 đã công khai ý định tìm tiếng nói chung giữa lãnh đạo những cường quốc hàng đầu thế giới để hạ bệ Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria. “Nhổ cái gai” al-Assad được Mỹ và đồng minh xem là ưu tiên hàng đầu, trên cả các vấn đề kinh tế lớn vốn là nội dung truyền thống nhiều năm qua mỗi khi nhóm họp các nước chiếm tới 50% GDP của cả thế giới.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng lãnh đạo 6 nước đồng minh hiệp lực “đấu” song không thể lay chuyển được lập trường của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong việc đưa ra một thông điệp rõ ràng nhằm phế truất Tổng thống al-Assad. Thay vì nêu thẳng tên ông al-Assad phải “ra đi”, tuyên bố chung của G8 chỉ nói chung chung “nhất trí ủng hộ một chính phủ Syria tương lai trên cơ sở đồng thuận của tất cả các bên liên quan” cũng như các cuộc đàm phán hòa bình càng sớm càng tốt.

Hội nghị thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới từ khi biến thành G8 (Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada, Italia, Nhật Bản và Nga) với sự tham gia của Nga đã dần chuyển hướng từ các vấn đề kinh tế sang các vấn đề an ninh. Song an ninh không chỉ làm lu mờ các vấn đề kinh tế mà còn thường dẫn tới những bất đồng bởi quan điểm quá khác biệt giữa các thành viên và vấn đề Syria tại G8 năm nay là minh chứng.