G7 đặt điều kiện dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Nga

ANTĐ - Ngày 25-9, Nhóm các nước Công nghiệp phát triển G7 đã tuyên bố rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga, do sự can dự của nước này vào cuộc khủng hoảng Ukraine, chỉ có thể được dỡ bỏ khi thỏa thuận ngừng bắn Minsk có hiệu lực.

“Các lệnh trừng phạt không tự kết thúc, chúng chỉ có thể được dỡ bỏ khi Nga đáp ứng được các cam kết của họ liên quan đến thỏa thuận ngừng bắn và các thỏa thuận khác đạt được tại Minsk và tôn trọng chủ quyền của Ukraine”, các ngoại trưởng Canada, Pháp, Đức, Italia , Nhật Bản, Anh, Mỹ và Cao ủy Liên minh châu Âu cho biết trong một tuyên bố.

Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt có thể sẽ được tăng cường nếu lệnh ngừng bắn tại Ukraine sụp đổ, tuyên bố của các ngoại trưởng G7 cho biết thêm. “Trong trường hợp có những hành động chống đối, chúng tôi vẫn sẵn sàng tăng cường hơn nữa các biện pháp trừng phạt đối với Nga do không tuân thủ”.

Phương Tây đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga do nước này bị phương Tây cáo buộc là có vai trò quan trọng trong cuộc xung đột Ukraine. Các lệnh trừng phạt này nhằm vào các lĩnh vực năng lượng, ngân hàng, quốc phòng của Nga. Tuy nhiên, Moscow đã nhiều lần bác bỏ bất kỳ sự liên quan nào của họ vào cuộc khủng hoảng nội bộ của Ukraine.

G7 đặt điều kiện dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Nga ảnh 1
Lực lượng thân Nga tại miền đông Ukraine


Tuyên bố cũng cho rằng, Nga phải rút toàn bộ quân đội và trang thiết bị quân sự của họ khỏi lãnh thổ Ukraine, đảm bảo an ninh biên giới và đảm bảo cho mọi con tin do lực lượng ly khai thân Nga bắt giữ được trao trả cho phía Ukraine.

Ngoài ra, các ngoại trưởng G7 còn cam kết giúp Ukraine vượt qua mùa đông khắc nghiệt mà họ sắp phải đối mặt và giúp xây dựng lại nền kinh tế của nước này, bằng việc phối hợp với các tổ chức tài chính để hỗ trợ về tài chính cho Ukraine.

Tuyên bố cũng đã hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn đặt được hôm 5-9 và kế hoạch 9 điểm đạt được cuối tuần trước tại thủ đô Minsk của Belarus, là những bước đi quan trọng để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài hơn nửa năm qua tại quốc gia Đông Âu này.