G20 nỗ lực “giải bài toán” suy thoái kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với những cam kết cùng biện pháp đưa ra, các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Indonesia tỏ rõ quyết tâm nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 và đặc biệt là thoát khỏi “bóng ma” suy thoái kinh tế đang đè nặng lên kinh tế toàn cầu.

Một “bóng ma” đang đè nặng

Kết thúc 2 ngày họp bàn với một chương trình nghị sự dày đặc tại hòn đảo du lịch Bali của Indonesia, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã cùng nhất trí về một Tuyên bố, trong đó nhấn mạnh các nỗ lực chung và biện pháp phục hồi trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19. Không chỉ thể hiện quyết tâm mạnh mẽ, các vị lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới còn đưa ra những giải pháp nhằm “Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn” như tinh thần mà Chủ tịch G20 Indonesia năm 2022 đưa ra.

Các nhà lãnh đạo G20 năm 2022 đã có những cam kết mạnh mẽ cùng các biện pháp nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch và tránh rơi vào suy thoái

Các nhà lãnh đạo G20 năm 2022 đã có những cam kết mạnh mẽ cùng các biện pháp nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch và tránh rơi vào suy thoái

Có thể thấy, Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2022 diễn ra trong bối cảnh nguy cơ suy thoái kinh tế bao phủ lên kinh tế toàn cầu. Do chưa phục hồi sau hơn 2 năm bị đại dịch Covid-19 hoành hành, kinh tế thế giới lại phải hứng chịu những cú “sốc” lớn với hai cuộc khủng hoảng song hành là khủng hoảng an ninh và lương thực, cùng với đó là chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva hồi đầu tháng 10 vừa qua đã cảnh báo, nguy cơ suy thoái toàn cầu đang ngày một gia tăng do các cú sốc kinh tế liên tiếp. Theo người đứng đầu định chế tài chính lớn này của thế giới, thế giới đang ở trong giai đoạn “rất mong manh”, trải qua nhiều cuộc khủng hoảng gồm đại dịch, xung đột quân sự tại Ukraine, thời tiết khắc nghiệt. Hàng loạt “cú sốc” liên tiếp trong 3 năm qua đã đẩy giá cả tăng vọt.

Cùng với cảnh báo của bà Kristalina Georgieva, IMF trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất đưa ra tháng 10-2022 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 trong bối cảnh các nước đang chịu tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine, giá năng lượng và thực phẩm tăng, lạm phát leo thang và lãi suất tăng mạnh. Theo đó, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2023 sẽ giảm xuống 2,7% so với dự báo 2,9% mà định chế này đưa ra hồi tháng 7. IMF thậm chí còn nhận định rằng, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn vào năm tới.

IMF ước tính, các nước đóng góp khoảng 1/3 GDP toàn cầu sẽ trải qua ít nhất 2 quý GDP giảm liên tiếp trong năm nay hoặc năm sau và cho rằng GDP toàn cầu sẽ mất 4.000 tỷ USD từ nay đến năm 2026. Theo IMF, con số này tương đương GDP của cả nước Đức - nền kinh tế lớn thứ 4 toàn cầu - và đây là bước lùi khổng lồ với nền kinh tế thế giới.

Số liệu thống kê cho thấy, tất cả các nền kinh tế lớn nhất thế giới là khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Mỹ, Trung Quốc đều đang giảm tốc. Trong đó, các nền kinh tế Eurozone bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi việc cắt giảm nguồn cung khí đốt từ Nga. Trung Quốc phải hứng chịu những gián đoạn liên quan đến đại dịch Covid-19 và sự suy thoái ngày càng sâu sắc của thị trường bất động sản, trong khi đà tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ cũng đang chậm lại... Tất cả những yếu tố này khiến IMF đưa ra cảnh báo rằng, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang ngày càng gia tăng.

Chia sẻ những nhận định của IMF, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala khi phát biểu ngày 16-11 bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Indonesia cũng cho rằng, một số nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ thực sự rơi vào suy thoái trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine, giá thực phẩm và năng lượng tăng cao cùng lạm phát leo thang. Theo Tổng Giám đốc WTO, điều này có thể gây tác động khá nghiêm trọng đối với các nền kinh tế mới nổi và chính các nền kinh tế lớn này.

Cùng hành động để thoát suy thoái

Nhằm duy trì phục hồi kinh tế, tránh rơi vào suy thoái kinh tế, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhấn mạnh, quan trọng nhất hiện nay là phải ổn định nền kinh tế toàn cầu bằng cách giải quyết những thách thức cấp bách, trong đó có tình trạng lạm phát, đồng thời kêu gọi các nhà hoạch định chính sách cần hành động cùng nhau để “ngăn giai đoạn bất ổn ngày càng tăng hiện nay”. Đó cũng chính là những giải pháp đã được các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt được nhất trí trong hội nghị thượng đỉnh năm 2022.

Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo G20 đã nhấn mạnh tới những nỗ lực chung và biện pháp phục hồi sau đại dịch Covid-19. Các nhà lãnh đạo G20 khẳng định, cần thực hiện các hành động cụ thể, chính xác, nhanh chóng và cần thiết, sử dụng tất cả các công cụ chính sách hiện có để giải quyết các thách thức chung đang đối mặt.

Trên tinh thần “Cùng nhau phục hồi, Phục hồi mạnh mẽ hơn”, các nhà lãnh đạo G20 khẳng định quyết tâm phối hợp hành động nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự hướng tới phục hồi toàn cầu mạnh mẽ, bao trùm, kiên cường và phát triển bền vững. Theo đó, G20 sẽ tăng đầu tư công và tiến hành cải cách cơ cấu, thúc đẩy đầu tư tư nhân, thương mại đa phương và tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm hỗ trợ tăng trưởng dài hạn, chuyển đổi bền vững và bao trùm, xanh và công bằng.

G20 cũng sẽ duy trì ổn định tài chính và vĩ mô; thúc đẩy an ninh lương thực và năng lượng; hỗ trợ ổn định thị trường, cung cấp hỗ trợ tạm thời và có mục tiêu nhằm giảm tác động của việc tăng giá. Đồng thời, tăng cường thương mại và đầu tư để đảm bảo an ninh năng lượng và lương thực dài hạn, cũng như các hệ thống năng lượng, phân bón và lương thực có khả năng ứng phó và bền vững.

Các nhà lãnh đạo G20 cam kết, mở rộng hơn nữa đầu tư cho các nước có thu nhập thấp và trung bình, cũng như các nước đang phát triển khác thông qua nhiều nguồn và công cụ tài chính sáng tạo hơn nhằm hỗ trợ đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Theo đó, yêu cầu các ngân hàng phát triển đa phương huy động và cung cấp bổ sung tài chính để hỗ trợ đạt được các SDG và ứng phó với các thách thức toàn cầu.

Nhằm ứng phó với các thách thức an ninh lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng hơn do các xung đột và căng thẳng hiện nay, lãnh đạo G20 cam kết thực hiện các hành động khẩn cấp để cứu sống, ngăn chặn nạn đói và suy dinh dưỡng. Cùng với đó, G20 kêu gọi nhanh chóng chuyển đổi hướng tới các hệ thống và chuỗi cung ứng nông nghiệp và thực phẩm bền vững và có khả năng ứng phó.

Tìm lối ra cho cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng hiện nay, các nhà lãnh đạo G20 nhấn mạnh tới sự cấp thiết nhanh chóng chuyển đổi và đa dạng hóa các hệ thống năng lượng, tăng cường an ninh năng lượng, khả năng ứng phó và ổn định thị trường. G20 đưa ra những cam kết để thực hiện điều này thông qua việc đẩy nhanh và đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, bền vững, công bằng, với giá cả phải chăng và bao trùm, cũng như dòng đầu tư bền vững.

Không phải là một vấn đề kinh tế, song cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine có tác động trực tiếp và hết sức quan trọng tới việc giảm thiểu hay làm trầm trọng hơn nguy cơ suy thoái kinh tế. Bởi thế, các nhà lãnh đạo G20 nhấn mạnh tới sự cần thiết duy trì luật pháp quốc tế và hệ thống đa phương nhằm bảo vệ hòa bình và duy trì ổn định, nhấn mạnh giải pháp hòa bình cho xung đột, các nỗ lực giải quyết khủng hoảng, cũng như ngoại giao và đối thoại là rất quan trọng.