Formosa chỉ được sản xuất sau khi hoàn thành các công trình xử lý chất thải

ANTD.VN - Ngày 10-11, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thông tin về kết quả khắc phục các tồn tại, vi phạm về bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh sau sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh Miền Trung.

Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội xung quanh việc xử lý trách nhiệm vụ Formosa gây ô nhiễm

Theo đó, ngày 28-10-2016, tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp Hội đồng liên ngành giám sát việc khắc phục hậu quả do sự cố môi trường biển tại một số tỉnh miền Trung và cam kết thực hiện của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) theo Quyết định số 1619/QĐ-BTNMT ngày 20-7-2016 nhằm đánh giá kết quả khắc phục các tồn tại, vi phạm về bảo vệ môi trường của FHS trong thòi gian vừa qua và cho ý kiến về kế hoạch khắc phục trong thời gian tới.

Hội đồng ghi nhận sự nỗ lực của FHS từ sau sự cố môi trường, đã khẩn trương khắc phục các hậu quả vi phạm, hoàn thành việc chuyển 500 triệu USD bồi thường thiệt hại cho Chính phủ Việt Nam theo cam kết; đã và đang thực hiện nghiêm túc các giải pháp trước mắt và lâu dài theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Thông báo số 78/TB-BTNMT và quyết định xử phạt vi phạm hành chính để khắc phục các tồn tại, vi phạm. Đến nay, FHS đã cải thiện, vận hành hệ thống xử lý nước thải và khí thải đạt quy chuẩn cho phép; phối họp với các cơ quan khoa học kỹ thuật, các chuyên gia về môi trường trong nước và quốc tế xây dựng kế hoạch cải tạo, nâng cấp và xây dựng bổ sung một số công trình xử lý chất thải nhằm kiểm soát môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế.

Đến cuối tháng 10-2016, các hạng mục công trình xử lý nước thải, khí thải phục vụ lò cao số 1 của FHS đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về nước thải, khí thải và quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại trong giai đoạn này.

Về bùn thải, tổng khối lượng phát sinh của FHS khoảng 97 tấn/tháng (hiện đang tồn trữ 711,5 tấn), gồm: bùn thải sinh hoạt khoảng 12 tấn/tháng (hiện đang tồn trữ 17,5 tấn), bùn thải sinh hóa khoảng 47 tấn/tháng (hiện đang tồn trữ 509,6 tấn) và bùn thải công nghiệp khoảng 38 tấn/tháng (hiện đang tồn trữ 184,4 tấn).

Các loại bùn thải nêu trên đã được FHS thu gom, lưu giữ an toàn trong kho chứa và chuyển giao cho Công ty TNHH MTV Chế biến chất thải công nghiệp Hà Tĩnh vận chuyển, xử lý (tính đến ngày 29-10-2016, đã chuyển giao 125 tấn bùn thải sinh hóa). Ngoài ra, FHS đã ký hơp đồng nguyên tắc với Công ty CP Môi trường Nghi Sơn và Công ty CP Tập đoàn Thành Công để xử lý hoặc đồng xử lý trong lò xi măng theo đúng quy định của pháp luật.

Với các loại chất thải phát sinh, FHS đã phối hợp với Viện Công nghệ môi trường lấy và phân tích mẫu để phân định và quản lý theo đúng quy định.

FHS cũng đã phối hợp với Viện Công nghệ môi trường (Tổng cục Môi trường giám sát) thực hiện kế hoạch giám sát môi trường tự động, liên tục và định kỳ (nước thải, khí thải, chất thải rắn, nước mặt tại các kênh thoát nước, nước biển ven bờ, nước ngầm, không khí xung quanh, tiếng ồn, độ rung...) trong thời gian 3 năm, chia thành 3 giai đoạn: (i) Giai đoạn vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải; (ii) Giai đoạn sau khi có xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; và (iii) Giai đoạn vận hành ổn định của dự án.

Để kiểm tra, giám sát việc thực hiện của FHS, Bộ TN-MT giao Tổng cục Môi trường phối hợp với Sở TN-MT và Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra, giám sát liên tục, định kỳ và đột xuất đối với FHS; sẽ trưng cầu Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 - thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ và Trung tâm Quan trắc môi trường thuộc Tổng cục Môi trường thực hiện việc đo đạc, lấy, bảo quản và phân tích mẫu môi trường để kiểm chứng.

Cũng theo Bộ TN-MT, từ ngày 13 đến ngày 15-9-2016, Tổng cục Môi trường đã thành lập đoàn kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường đối với 16 hạng mục đã hoàn thành của FHS. Trên cơ sở báo cáo và kế hoạch khắc phục nêu trên của FHS, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phê duyệt về nguyên tắc giải pháp, biện pháp công nghệ của kế hoạch để theo dõi, giám sát. Kết quả giám sát sẽ được Bộ TN-MT sử dụng trong quá trình thẩm định, xác nhận hoàn thành công trình, biện pháp bảo vệ môi trường.

Tổ giám sát của Bộ sẽ kiểm tra định kỳ và đột xuất việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên nước của FHS theo quy định của pháp luật; trường hợp phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

FHS chỉ được xem xét, cho phép vận hành chính thức các công trình sản xuất khi và chỉ khi hoàn thành các hạng mục công trình liên quan đến xử lý chất thải và kiểm soát, giám sát chất thải, đặc biệt là hoàn thành hệ thống hồ sinh học, bao gồm: các hồ sự cố, hồ hoàn thiện, hệ thống bãi lọc trồng cây ngập nước, hồ chỉ thị sinh học (nuôi cá) để kiểm soát nước thải sinh hóa và công nghiệp sau xử lý.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong quá trình thực hiện dự án, FHS sử dụng công nghệ lò cao cỡ lớn (dung tích 4.350m3/lò) để phục vụ quá trình luyện thép, công nghệ luyện, cán thép và các hạng mục công trình phụ trợ là công nghệ tiên tiến của các nước phát triển. Tuy nhiên, FHS đang sử dụng công nghệ làm nguội than cốc bằng phương pháp ướt (dùng nước tuần hoàn) thay vì làm nguội theo phương pháp khô (dùng khí trơ N2) như đã cam kết. Để thực hiện đúng cam kết với Chính phủ Việt Nam, FHS đã phối hợp với các hãng sản xuất trên thế giới lựa chọn công nghệ tiên tiến để thực hiện chuyển đổi phương pháp làm nguội than cốc từ ướt sang khô. Việc chuyển đổi này sẽ được khởi công từ ngày 31-3-2017 và cam kết hoàn thành hệ thống số 1 trước ngày 31-3-2019 và hệ thống số 2 trước ngày 30-6-2019.

“Trong thời gian chưa hoàn thành các hệ thống nêu trên, FHS sẽ xây dựng trạm xử lý tuần hoàn nước dập cốc để xử lý đạt quy chuẩn quy định trước khi tái sử dụng. FHS cũng sẽ nghiên cứu thực hiện áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn trong hoạt động sản xuất, đặc biệt đối với nhà máy điện” - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.