FIFA bị “sờ gáy”

ANTĐ - Vụ bế bối liên quan tới FIFA chưa có dấu hiệu dừng lại khi sau Mỹ lại đến lượt Bộ Tư pháp Thụy Sĩ, nơi tổ chức bóng đá lớn nhất hành tinh này đóng trụ sở, tiến hành điều tra hơn 40 vụ rửa tiền nghi vấn.

FIFA bị “sờ gáy” ảnh 1Bộ trưởng Tư pháp Thụy Sĩ Michael Lauber (giữa) tuyên bố đang điều tra về 53 khoản chuyển tiền nghi vấn liên quan tới FIFA

Lên tiếng ngày 17-6, Bộ trưởng Tư pháp Thụy Sĩ Michael Lauber cho biết các nhà điều tra nước này đang tiến hành điều tra những khoản chuyển tiền nghi vấn liên quan tới FIFA. Người đứng đầu ngành tư pháp của Thụy Sĩ “bật mí”, kết quả điều tra ban đầu đã phát hiện 53 vụ giao dịch ngân hàng đầy nghi vấn có liên quan đến các vụ việc tham nhũng, rửa tiền, làm ăn phi pháp ở cơ quan đầu não của tổ chức bóng đá thế giới.

Trước đó, ngày 27-5 vừa qua, cùng với việc bắt giữ 9 người, trong đó có 7 quan chức cấp cao FIFA, theo đề nghị của Bộ Tư pháp và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), lực lượng chức năng Thụy Sĩ cũng đã tổ chức khám xét trụ sở FIFA tại Thủ đô Zurich của nước này, thu giữ nhiều hồ sơ tài liệu tại đây đồng thời công bố chính thức việc điều tra các vụ việc tham nhũng, rửa tiền, làm ăn phi pháp của tổ chức này. Một trong số đó là một lượng lớn lên đến 9 terabytes dữ liệu thông tin về hoạt động của FIFA tại Zurich.

Theo Bộ trưởng Michael Lauber, việc lần ra “53 vụ giao dịch đầy nghi vấn” không dễ bởi phải lọc ra từ số lượng dữ liệu khổng lồ để từ đó có thể “bóc tách” được mối quan hệ của 104 khách hàng là ngân hàng, mỗi khách hàng đứng tên rất nhiều tài khoản. Cuộc điều tra này chắc chắn chưa dừng lại ở những gì đã công bố, bởi theo ông Lauber: “Chúng tôi đang phải thụ lý điều tra một vụ việc quy mô và cực kỳ phức tạp với rất nhiều mối quan hệ quốc tế. Bóng đá thế giới cần kiên nhẫn bởi chắc chắn cuộc chiến đấu này sẽ phải dài hơn 90 phút, thời gian của một trận đấu trên sân cỏ”.

Cho dù giới chức Thụy Sĩ chưa chính thức thông báo song các nguồn tin cho rằng “đích ngắm” của cuộc điều tra trên tập trung vào những cáo buộc về sai phạm trong quản lý và rửa tiền liên quan đến việc trao quyền đăng cai World Cup 2018 cho Nga và 2022 cho Qatar. Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Lauber chỉ tiết lộ rằng Chủ tịch đã tuyên bố từ chức của FIFA Sepp Blatter và Tổng thư ký FIFA Jerome Valcke đã được cơ quan điều tra lên lịch thẩm vấn, dù cho đến nay chính quyền Thụy Sĩ chưa nhắm đến hay quy kết bất cứ cá nhân nào trong vụ bê bối chấn động thế giới này.

Có thể thấy mục đích cuộc điều tra mà Thụy Sĩ tiến hành rõ ràng và tập trung hơn cuộc điều tra mà Mỹ đang nhằm vào FIFA với hàng loạt cáo buộc  như làm ăn phi pháp, rửa tiền, tham nhũng… liên quan tới số tiền lên tới 150 triệu USD. Cuộc điều tra của giới chức Mỹ dù chỉ liên quan tới các hành vi nhận hối lộ và tiền “lại quả” được dàn xếp ở Mỹ và được thực hiện từ đầu những năm 1990 đến nay qua các ngân hàng của Mỹ, song giới thạo tin cho biết, nó còn bao gồm cả nghi án hối lộ để trao quyền đăng cai World Cup 2018 cho Nga và 2022 cho Qatar.

Bởi thế, cuộc điều tra của giới chức Thụy Sĩ có thể dẫn tới việc Nga và Qatar có thể mất quyền đăng cai World Cup vào các năm 2018 và 2022 nếu các nhà điều tra tìm thấy bằng chứng hối lộ để giành quyền đăng cai 2 kỳ World Cup này như sự thừa nhận của Chủ tịch Ủy ban kiểm tra của FIFA Domenico Scala. Trong khi Qatar chưa lên tiếng, Nga đã bác bỏ mọi nghi vấn hối lộ để giành quyền đăng cai World Cup năm 2018, đồng thời mạnh mẽ chỉ trích cuộc điều tra tham nhũng nhắm vào FIFA cũng như những lời kêu gọi tước quyền đăng cai World Cup của nước này.