Festival văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên

(ANTĐ) - Hãy ngược thời gian để tận hưởng một đêm Khan đích thực với sự giao cảm, siêu thoát giữa chúng ta và các thần linh. Và từ trong sâu thẳm, hãy lắng nghe cồng chiêng ngân lên những âm thanh vĩnh cữu của đại ngàn…

Festival văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên

(ANTĐ) - Hãy ngược thời gian để tận hưởng một đêm Khan đích thực với sự giao cảm, siêu thoát giữa chúng ta và các thần linh. Và từ trong sâu thẳm, hãy lắng nghe cồng chiêng ngân lên những âm thanh vĩnh cữu của đại ngàn…

Đó là lời mời gọi của Festival văn hóa công chiêng Tây Nguyên sẽ diễn ra từ 21-11-2007 đến 24-11-2007.

Trong đêm khai mạc  Festival Văn hoá cồng chiêng Tây nguyên 2007, cuộc “ trò chuyện”  sẽ càng trở nên thú vị hơn khi “ chứng kiến” sự giao hoà giữa cồng chiêng và giao hưởng. Đó là một cuộc giao hòa xuyên suốt lịch sử nhân loại, từ âm nhạc sơ khai đến âm nhạc hàn lâm.

Một không gian nguyên sơ sẽ được phục dựng tại Trung Tâm Du lịch sinh thái Bản Đôn - cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 50km, với các chương trình nghệ thuật dân gian, lễ hội voi. Cũng trong ngày 24-11-2007, triển lãm “ Trại sáng tác điêu khắc gỗ dân gian TâyNguyên -  DAKRUCO  - Lần I- 2007” chính thức mở cửa. Trại sáng tác này được khởi động từ ngày 1-11-2007 và qui tụ nhiều nghệ nhân tài hoa của các dân tộc Êđê, Jrai, Bâhnar, Sêđăng, CaTu,… Trước đó, từ tháng 9-2007, Trung tâm Du lịch Văn hoá - Sinh thái Bản Đôn, thuộc Công ty cao su ĐăkLăk cũng đã tiến hành chiêu sinh và mời nghệ nhân các dân tộc Jrai, Êđê, Sê Đăng truyền dạy nghề tạc tượng gỗ cho một số thanh niên người dân tộc bản địa.

Trong các đêm từ 21-24.11.2007, tại Bảo tàng tỉnh ĐăkLăk - một không gian với rất nhiều cây cổ thụ, cho phép các nhà thiết kế sân khấu có thể tạo ra một môi trường diễn xướng ấn tượng và nhiều kịch tính. Đó là những sân khấu treo, những sân khấu ẩn dưới những tán cây đại thụ dành cho những ban nhạc Rock đậm đặc chất Tây Nguyên như Bazan, Da Vàng, Dam San…và The BamBoo ( Flamenco ) đến từ Câu lạc bộ Trống Đồng - Paris (Pháp).

Và dĩ nhiên, Festival lần này không thể vắng các ngôi sao ca nhạc đã trở thành niềm tự hào của người dân Tây Nguyên và những người yêu âm nhạc. Đó là Y Moan, Siu Black… và những ca sĩ thành danh khác, cùng các ban nhạc trong nước và quốc tế.

Sự hấp dẫn của Festival Văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên 2007 còn thể hiện ở qui mô của sự kiện, với gần 30 dàn cồng chiêng trong nước và khu vực, cùng hàng ngàn nghệ nhân đến từ các vùng trong nước và các nước láng giềng.

Họ đến không chỉ để biễu diễn trong các đêm kỳ ảo ở không gian xanh bảo tàng mà còn cùng nhảy múa trong các chương trình Lễ hội đường phố- một chương trình được dàn dựng công phu với tên gọi “Nhịp sống Tây Nguyên" sẽ đồng loạt khai diễn vào sáng  22-11 và kéo dài đến hết ngày 23-11-2007 tại Quảng trường  thành phố, Công viên Phù Đổng, Trung tâm VHTT và đại học Tây Nguyên...

“Nhịp sống Tây Nguyên“ bao gồm một chuỗi các hoạt động tiêu biểu trong đời sống hàng ngày của đồng bào Tây Nguyên như đan lát, dệt vải, các trò chơi dân gian… Và các hoạt động khác như ca nhạc, thời trang các dân tộc Việt Nam, diễu hành voi…

Nhịp sống Tây Nguyên không chỉ nhằm giới thiệu cho du khách mà còn cung cấp những kiến thức bổ ích cho cư dân địa phương về chính nơi mình đang sống. Chương trình sẽ phục dựng lại một số những lễ hội,  lối sống giản dị nhưng hào phóng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, nhằm truyền bá cũng như nuôi dưỡng, bảo tồn các tập quán của dân bản địa đang ngày một đổi mới. Một Tây Nguyên trẻ trung, hiện đại hơn sẽ do các sinh viên Trường ĐH Tây Nguyên cùng các người mẫu và các nhà thiết kế thời trang đến từ Câu lạc bộ Trống Đồng (Paris- Pháp) thiết kế và trình diễn.

Một hoạt động khác bên lề Festival cũng thu hút được sự quan tâm của các nhà khoa học, đó là Hội thảo khoa học ‘’Không gian văn hoá cồng chiêng - Thực trạng tồn tại và giải pháp bảo tồn“. Hội thảo diễn ra vào ngày 23-11-2007, do GSTSKH Tô Ngọc Thanh chủ trì.

Festival VHCCTN 2007 do UBND tỉnh ĐăkLăk chủ trương tổ chức nhằm tôn vinh và quảng bá rộng rãi những giá trị của Không gian Văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên sau khi được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản phi vật thể của nhân loại. Đồng thời kêu gọi cộng đồng cùng chung sức bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Festival cũng là dịp để du khách hiểu rõ hơn về những chính sách ưu việt mà Đảng và nhà nước ta đã dành cho đồng bào. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp kinh doanh du lịch giới thiệu các sản phẩm mới nhằm kích hoạt thị trường du lịch Tây Nguyên vốn được đánh giá là nhiều tiềm năng nhưng vẫn chưa phát huy hết.

Dự toán kinh phí cho toàn bộ chương trình này khoảng 15 tỷ đồng. Số kinh phí khá lớn này được huy động từ các nguồn tài trợ và do công ty Cao su ĐăkLăk  (DAKRUCO ), Trung Tâm du lịch sinh thái Bản Đôn, Công ty cổ phần Tân Hoàng Thắng, công ty truyền thông MC9, Cty cổ phần xúc tiến Thương Mại & Phát triển Kinh tế ( EDC ) tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về tài chính.

Huyền Trang