Facebook khuynh đảo báo chí toàn cầu như thế nào?

ANTĐ - Cho tới giờ, Facebook đang thực sự là một thế lực đáng gờm trên thị trường báo chí toàn cầu, bởi nó thay đổi đáng kể cách thức người dùng tiếp cận tin tức.

Tại công ty Facebook, đội ngũ của kỹ sư Greg Marra (26 tuổi) làm công việc thiết kế và lập trình mã nguồn ở phần nội dung chính giữa (News Feed) của Facebook, trong đó có các thông tin cập nhật trạng thái của bạn bè, ảnh, video, các câu chuyện… mà người dùng sẽ nhìn thấy.

Và Marra nhanh chóng trở thành một trong những người có nhiều ảnh hưởng nhất trên thị trường báo chí.

Facebook đang trở thành một thế lực thực sự trong làng báo chí toàn cầu

Hiện Facebook đang “chiếm” 1/5 thế giới, với khoảng 1,3 tỷ người đăng nhập vào mạng xã hội này ít nhất mỗi tháng một lần. Và theo thống kê của công ty phân tích SimpleReach, Facebook có vai trò tạo ra 20% trong tổng lưu lượng truy cập vào các trang tin tức.

Trên thiết bị di động – lĩnh vực có lượng độc giả tăng nhanh nhất hiện nay – tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn, và vẫn đang tiếp tục tăng nữa. Với ảnh hưởng đó, Facebook đã trở thành một “gã khổng lồ” đầy sức mạnh trên thị trường báo chí nhờ khả năng cung cấp thông tin cho hàng trăm triệu độc giả.

Hãng nghiên cứu Pew Research Center cho biết cụ thể hơn: Khoảng 30% người trưởng thành ở Mỹ tiếp cận tin tức qua Facebook. Điều đó có nghĩa là gì? Đơn giản! Một trang tin tức sẽ thăng hoa hoặc thất bại, phụ thuộc vào cách xuất hiện của nó như thế nào ở News Feed trên Facebook.

Dù những dịch vụ mạng khác như Twitter hay Google News cũng có ảnh hưởng lớn thì Facebook vẫn đang nắm giữ vị thế đứng đầu trong cuộc cách mạng thay đổi cách mọi người “tiêu thụ” báo chí.

Hầu hết độc giả hiện nay tiếp cận với báo chí không phải qua bản in của các tờ báo và tạp chí, cũng không qua trang chủ trên mạng, mà thông qua mạng xã hội và các cỗ máy tìm kiếm (như Google).

Đi sâu vào đây thì chúng ta cần biết rằng thuật toán của mạng xã hội hay cỗ máy tìm kiếm đó có vai trò rất quan trọng, bởi thuật toán này có chức năng dự đoán xem người dùng sẽ muốn đọc cái gì.

Hiểu một cách đơn giản thì bản in hay trang chủ của mỗi tờ báo chẳng còn nhiều vai trò, vai trò quyết định được đặt vào tay độc giả và các thuật toán của mạng xã hội và cỗ máy tìm kiếm là phương tiện truyền tải.

“Mọi người sẽ chẳng gõ WashingtonPost.com nữa. Họ sẽ tìm kiếm hoặc tiếp cận thông tin qua mạng xã hội”, cô Cory Haik – biên tập viên cao cấp phụ trách mạng tin điện tử của The Washington Post – bày tỏ.

Trong khi đó, kỹ sư Marra của Facebook thì chia sẻ: “Chúng tôi cố gắng để phân biệt bản thân mình không phải là những người biên tập. Chúng tôi không muốn có sự phán xét biên tập trong nội dung xuất hiện ở News Feed của người dùng. Họ kết bạn, rồi họ kết nối tới những trang mà họ muốn, và họ - thành viên Facebook – chính là người quyết định tốt nhất cho những thứ mà họ quan tâm”.

Thuật toán của Facebook đi theo nguyên lý đó! Nó sẽ chọn ra những gì mà người dùng quan tâm, nói cách khác, là “cá nhân hoá” nội dung thông tin ở News Feed của mỗi người dùng.

Cứ gần một tuần một lần, Marra và các đồng nghiệp lại thực hiện 16 điều chỉnh mã lập trình phức tạp để quyết định xem người dùng sẽ thấy gì đầu tiên khi họ đăng nhập vào Facebook.

Mã lập trình này được dựa trên “hàng nghìn và hàng nghìn” số liệu, bao gồm thiết bị mà người dùng sử dụng là gì, có bao nhiêu bình luận và lượt “thích” mà một câu chuyện được nhận, hay độc giả đã dành bao nhiêu lâu cho nội dung đó. 

Mục đích cuối cùng là tìm xem thứ gì phù hợp nhất với mỗi người dùng Facebook. Đương nhiên, kết quả này là khác nhau đối với từng nơi trên thế giới. Chẳng hạn như ở Ấn Độ, mọi người có xu hướng chia sẻ về các vấn đề liên quan tới chiêm tinh, Bollywood, cricket và thần học.

Cũng từ đây, chúng ta mới thấy vai trò của “phương tiện truyền tải” như Facebook: Nếu thuật toán của họ mỉm cười với một tờ báo thì “phần thường” mà tờ báo nhận được sẽ là lưu lượng truy cập khổng lồ, độc giả quan tâm tăng vọt. Và ngược lại, nếu Merra và đội ngũ của anh nhận thấy một thông tin gì đó không được lòng độc giả thì kết quả là…đống đổ nát dành cho nguồn cấp thông tin đó.

Hãy trở về thời điểm tháng 12/2013, khi Facebook quyết định thay đổi thuật toán để chú trọng vào nội dung có chất lượng cao, những trang thông tin dạng spam phát triển mạnh khi đó như Upworthy, Distractify và Elite Daily bị mất điểm mạnh và dẫn tới lượng truy cập sụt giảm không có điểm dừng.

Với sức ảnh hưởng lớn như vậy, có thể hiểu được tầm quan trọng của mỗi toà soạn trong việc thiết lập quan hệ “tốt đẹp” với Facebook. Bằng chiến lược quảng bá nội dung, bằng cách đầu tư cho fan page thu hút độc giả hay bằng bất kỳ cách nào khác, miễn sao nó hiệu quả để thuật toán của mạng xã hội này nhận ra thông tin của tờ báo đó phù hợp với nhiều độc giả.

Nói trên một góc nhìn khác, nếu như báo chí có “luỵ” Facebook thì cũng không phải là điều tồi tệ. Nó chỉ là xu hướng mà những người trong cuộc phải đi theo mà thôi!