EU: Vụ ám sát nhà khoa học Fakhrizadeh không thể ngăn Iran phát triển vũ khí hạt nhân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Sputnik ngày 1-12 dẫn lời Đại diện cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết, vụ ám sát nhà vật lý Iran Mohsen Fakhrizadeh gần đây sẽ không thể ngăn được Tehran phát triển vũ khí hạt nhân.

Đại diện cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của EU, ông Josep Borrell

Đại diện cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của EU, ông Josep Borrell

Vào ngày 27-11, Mohsen Fakhrizadeh, người đứng đầu tổ chức nghiên cứu và phát minh của Bộ Quốc phòng Iran, đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công gần thị trấn Absard, miền Bắc nước này. Tehran cáo buộc Israel có liên quan đến vụ ám sát.

“Vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân nổi tiếng Iran Mohsen Fakhrizadeh là một hành động tội ác… Tôi rất tiếc phải nói như vậy, nhưng đây không phải là cách giải quyết vấn đề. Sẽ không thể ngăn được Iran phát triển vũ khí hạt nhân bằng cách giết các chuyên gia về khoa học hạt nhân của nước này. Có những người không muốn JCPOA (Kế hoạch hành động toàn diện chung) hồi sinh trong khi chúng ta đã phải làm việc suốt nhiều năm qua để giữ cho thỏa thuận tồn tại bất chấp sự rút lui của Mỹ”, ông Borrell nói trong cuộc tranh luận trực tuyến với những người tiền nhiệm là Federica Mogherini và Javier Solana, tại sự kiện có tên "EU trong một thế giới đang thay đổi" được tổ chức hôm 1-12.

Đại diện cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của EU cũng mong muốn khối có thể thuyết phục Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân và Iran quay trở lại tuân thủ đầy đủ các trách nhiệm hạt nhân như JCPOA đã vạch ra. Nhà ngoại giao nói thêm rằng, ngày cho cuộc họp tiếp theo của JCPOA đã được ấn định, và nó sẽ được tổ chức trước Giáng sinh.

“Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể để biến thỏa thuận này trở thành nhà cung cấp bảo mật cho toàn khu vực”, ông Borrell nêu rõ.

Năm 2015, Iran đã ký JCPOA với Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga, Vương quốc Anh, Mỹ và EU, trong đó yêu cầu Tehran thu hẹp quy mô chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, vốn đã khiến nền kinh tế của nước này trở nên tồi tệ. Năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận mang tính bước ngoặt và thực hiện các chính sách cứng rắn chống lại Tehran. Kể từ khi lãnh đạo Nhà Trắng quyết định rời JCPOA, căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã leo thang, với việc Tehran tuyên bố sẽ không còn tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015.