EU ra sức cấm vận, Mỹ vẫn cứ hợp tác quân sự với Nga

ANTĐ - Sau khi các nước EU như Đức, Anh, Pháp chấm dứt hoặc hạn chế hợp tác quốc phòng với Nga, mới đây nhất, Thụy Sĩ đã ban hành hạn chế mới về xuất khẩu quân sự đối với Moscow.

Theo tin các phương tiện truyền thông đưa ngày 14-8, chính phủ Thụy Sĩ đã ban hành những hạn chế bổ sung về xuất khẩu quân sự đến Nga. Ngoài ra, Bộ Kinh tế nước này đang hoạch định biện pháp để ngăn chặn việc tránh né lệnh trừng phạt của EU trên lãnh thổ Thụy Sĩ.

Theo phản ánh của hãng thông tấn Nga RIA Novosti, Thụy Sĩ đã đề cập cụ thể đến lệnh cấm cung cấp cho Nga các trang bị quốc phòng như máy bay không người lái, máy bay huấn luyện, mô hình học tập-huấn luyện và các thiết bị vô tuyến điện.

Thời gian qua, các chương trình hợp tác quốc phòng của Nga với các nước châu Âu đã bị đe dọa đình chỉ như hợp đồng đóng 2 tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral của Pháp, dự án xây dựng trung tâm huấn luyện mặt đất với Đức, các dự án tàu ngầm mini và xe bọc thép phát triển chung với Italia…

Tuy nhiên, trong khi EU đang nỗ lực cấm vận Nga để hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ, thì chính Washington lại không chịu chấm dứt hợp tác quân sự, kinh tế với Nga. Gần đây nhất là sự kiện Lầu Năm Góc vẫn muốn mua máy bay trực thăng Nga cho quân đội Afghanistan, bất chấp cảnh báo của quốc hội Mỹ.

EU ra sức cấm vận, Mỹ vẫn cứ hợp tác quân sự với Nga ảnh 1

Máy bay trực thăng vận tải Mi-17V5 của Nga trong biên chế không quân Iraq


Trong một thông báo ngày 14-8, ông Igor Sevastyanov, phát ngôn viên của Rosoboronexport cho biết, trong các cuộc đàm phán với các quan chức Nga, một số quan chức quân sự cấp cao của Mỹ đã nhiều lần tuyên bố rằng họ sẵn lòng dùng các trang bị vũ khí Nga cho một bộ phận quân đội Mỹ và các nước đồng minh, bất kể ý chí chính trị trong việc này.

Được biết, vấn đề mà ông Sevastyanov đề cập đến là máy bay trực thăng. Trước đó, Nga đã ký ba hợp đồng với Lầu Năm Góc để cung cấp cho quân đội Afghanistan hơn 70 chiếc Mi-17V5. Cũng giống như hiện nay, mặc dù Quốc hội Mỹ phản đối quyết liệt, Bộ quốc phòng Mỹ vẫn tuyên bố bảo lưu các hợp đồng này.

Về lĩnh vực kinh tế cũng vậy. Ngày 9-8 vừa qua, công ty dầu khí ExxonMobil của Mỹ vẫn khởi động dự án lắp ráp giàn khoan thăm dò West Alpha trên biển Kara. Đây là dự án liên doanh của công ty Mỹ với "Rosneft" của Nga, nhằm thăm dò nguồn tài nguyên dầu mỏ ở Bắc Cực.

Trả lời những thắc mắc về vấn đề tại sao chính phủ Mỹ đã ra lệnh cấm vận kinh tế và quân sự với Nga mà công ty này vẫn bảo lưu các hoạt động hợp tác với đối tác Nga, đại diện ExxonMobil cho biết, hoạt động này nằm trong khuôn khổ các dự án “đã ký kết từ trước” nên không thể hủy bỏ được.