EU - Mỹ “hạ nhiệt” tranh chấp thương mại để phục hồi kinh tế khu vực và toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Brussels và Washington vừa nhất trí tạm ngừng áp thuế “trả đũa” trong vòng 4 tháng tới liên quan đến cuộc tranh cãi về vấn đề trợ cấp cho các Hãng sản xuất máy bay Airbus và Boeing. Tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Thương mại Pháp Franck Riester nêu rõ thỏa thuận này “là một bước đi đầu tiên trong tiến trình giảm leo thang” tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Mỹ và EU đã có những động thái “hạ nhiệt” căng thẳng thương mại có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phục hồi kinh tế khu vực và toàn cầu

Mỹ và EU đã có những động thái “hạ nhiệt” căng thẳng thương mại có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phục hồi kinh tế khu vực và toàn cầu

Bất đồng kéo dài 16 năm

Quyết định trên được Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đưa ra sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 6-3. Thông cáo của Ủy ban châu Âu (EC) dẫn lời bà Ursula von der Leyen cho biết, hai chính trị gia nhất trí tạm ngừng mọi khoản thuế đã áp đặt liên quan đến cuộc tranh cãi về việc trợ cấp cho các Hãng Boeing và Airbus, trong thời gian ban đầu là 4 tháng.

“Tổng thống Joe Biden và tôi đã nhất trí tạm ngừng mọi khoản thuế mà chúng ta áp đặt trong bối cảnh của cuộc tranh cãi Airbus - Boeing, kể cả các mặt hàng máy bay và không phải là máy bay, trong thời gian ban đầu là 4 tháng” - trích lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. Bộ trưởng Bộ Thương mại Pháp Franck Riester cho biết cụ thể: “Giờ đây, chúng tôi sẽ phối hợp với Ủy ban châu Âu (EC) và các đối tác châu Âu của chúng tôi trong 4 tháng tới để đưa ra những quy định mới về vấn đề trợ cấp công cho lĩnh vực hàng không vũ trụ, phù hợp với các lợi ích của chúng tôi”.

Mỹ và EU áp thuế “trả đũa” lẫn nhau do bất đồng kéo dài 16 năm qua liên quan trợ cấp của các Chính phủ hai bên đối với hãng sản xuất máy bay châu Âu Airbus và đối thủ Boeing của Mỹ. Cuộc tranh chấp kéo dài khiến hai bên phải đưa vụ việc này lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Sau đó, WTO đứng ra giúp hòa giải tranh chấp bằng cách cho phép 2 bên áp thuế với các sản phẩm của nhau để bù vào các khoản trợ cấp.

Năm 2019, Washington áp thuế đối với các mặt hàng EU với tổng trị giá 7,5 tỷ USD vì các khoản trợ cấp của khối này với Airbus. Cụ thể, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump giáng đòn trừng phạt thuế 25% đối với nhiều mặt hàng thực phẩm của EU, tăng thuế đối với máy bay Airbus nhập khẩu vào Mỹ từ 10% lên 15%. Tháng 10-2020, EU áp thuế đối với gần 4 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ vì trợ cấp của Washington đối với Hãng sản xuất máy bay Boeing.

“Hạ nhiệt” căng thẳng để thúc đẩy kinh tế

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhận định, việc cả Mỹ và EU đều cam kết tập trung giải quyết các bất đồng còn tồn tại đã mang đến một tin tốt lành đối với các ngành kinh doanh, công nghiệp hàng không vũ trụ ở cả hai bờ Đại Tây Dương và là tín hiệu tích cực cho hợp tác kinh tế Mỹ - EU trong những năm tới.

Quyết định ngừng áp thuế theo kiểu “ăn miếng trả miếng” đối với máy bay và các hàng hóa khác của các nhà lãnh đạo Mỹ và EU sẽ giảm bớt khó khăn cho các nhà sản xuất máy bay, vốn đang điêu đứng vì dịch bệnh Covid-19 hoành hành. Thống kê của Airbus cho thấy, hãng này lỗ ròng 1,3 tỷ USD trong năm 2020, trong khi đó, Boeing có kết quả kinh doanh đáng buồn khi tổng thiệt hại trong cả năm 2020 lên đến 11,9 tỷ USD.

Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh nước Mỹ đang đối mặt với các thách thức gay gắt chưa từng có như hiện nay, còn EU nhọc nhằn tìm cách vượt qua khủng hoảng kinh tế và dịch bệnh; việc hai bên “hạ nhiệt” căng thẳng thương mại có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phục hồi kinh tế khu vực và toàn cầu. Bên cạnh đó, sự kiện ngừng áp thuế lẫn nhau còn mở đường cho Mỹ và EU khôi phục, phát triển nhiều nội dung hợp tác toàn cầu khác về an ninh, chống biến đổi khí hậu… vốn bị đình trệ hoặc gián đoạn trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cuộc tranh chấp gây thiệt hại cho Airbus và Boeing

Các khoản thuế do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt liên quan đến cuộc tranh cãi về việc trợ cấp cho Boeing và Airbus gây rất nhiều khó khăn đến hai hãng sản xuất máy bay

Các khoản thuế do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt liên quan đến cuộc tranh cãi về việc trợ cấp cho Boeing và Airbus gây rất nhiều khó khăn đến hai hãng sản xuất máy bay

Trong một diễn biến khác trước đó, Giám đốc điều hành của Hãng sản xuất máy bay châu Âu Airbus - ông Guillaume Faury kêu gọi “đình chiến” trợ cấp máy bay, nói rằng việc áp thuế “ăn miếng trả miếng” đối với máy bay và các hàng hóa khác đã làm trầm trọng thêm thiệt hại do cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra.

Washington đã áp thuế nhập khẩu 15% đối với máy bay Airbus từ năm 2019 sau cuộc tranh chấp kéo dài đưa lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và EU đã đáp trả bằng mức thuế tương ứng đối với máy bay Boeing 1 nãm sau đó. Các mặt hàng rượu vang, rượu whisky và các hàng hóa khác cũng bị ảnh hưởng. Trong cuộc trả lời phỏng vấn, ông Guillaume Faury nói rằng cuộc tranh chấp thương mại này đã khiến Airbus rơi vào tình thế mà kết quả đều không có lợi cho cả 2 phía. Do vậy, Airbus đã kêu gọi “đình chiến” và giải quyết cuộc tranh chấp trợ giá này. Trong khi đó, Boeing không đưa ra bình luận gì.

Ông Guillaume Faury cho biết, cuộc tranh chấp với Boeing đã gây thiệt hại trong đại dịch Covid-19, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc hạn chế đi lại và đóng cửa biên giới. Ông cũng bày tỏ quan ngại về việc các lệnh cấm được mở rộng ở châu Âu. Việc đi lại trong khu vực châu Âu bằng máy bay hiện nay, kể cả ở nội địa của từng quốc gia châu Âu là điều gần như không thể.

Theo đó, ông Guillaume Faury hy vọng các quốc gia sớm mở cửa biên giới trở lại, và cho phép mọi người đi lại với điều kiện có giấy chứng nhận các xét nghiệm âm tính với Covid-19 hoặc đã được tiêm vaccine. Các bình luận này được đưa ra khi các doanh nghiệp gia tăng áp lực lên các Chính phủ trong việc mở cửa lại nền kinh tế khi việc triển khai vaccine ngừa Covid-19 đang diễn ra nhanh chóng trên khắp châu Âu.

Boeing “soi” rủi ro từ thiết kế máy bay mới nhất của Airbus

Hãng Boeing cho rằng thiết kế của bình chứa nhiên liệu với mục đích làm tăng khả năng bay chặng dài của chiếc máy bay A321XLR của Airbus tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Cụ thể, nhà chế tạo máy bay Boeing Co đã bày tỏ quan ngại về thiết kế của máy bay thân hẹp mới nhất của “kỳ phùng địch thủ” Airbus, A321XLR, cho rằng kiểu bình chứa nhiên liệu mới của máy bay này có thể có nguy cơ cháy.

Trong một văn bản trình lên Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu (EASA), Boeing cho rằng thiết kế của bình chứa nhiên liệu với mục đích làm tăng khả năng bay chặng dài của máy bay A321XLR tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Ðiểm nổi bật chính của A321XLR nằm ở chỗ đây là máy bay một lối đi có thể bay chặng dài nhất. Ở hầu hết các máy bay, nhiên liệu được chứa ở cánh và bình chứa trung tâm. Nhưng để đáp ứng nhu cầu bay chặng dài hơn, Airbus đã bổ sung thêm các bình chứa nhiên liệu bên trong khoang chứa hàng của một số máy bay A321. Ðối với chiếc A321XLR, Airbus dự định dành nhiều không gian hơn để chứa nhiên liệu bằng cách đúc một bình chứa trực tiếp vào thân máy bay, có nghĩa là hình dáng của bình chứa sẽ áp theo thân máy bay và chứa được nhiều nhiên liệu hơn.

Sự việc này đã thu hút sự chú ý của EASA. Trước đó, hồi tháng 1-2021, cơ quan này cho biết sẽ ban hành các điều kiện đặc biệt để đảm bảo sự an toàn cho hành khách. EASA cho rằng một bình chứa nhiên liệu được đúc vào thân máy bay khi phải tiếp xúc với nguồn lửa từ bên ngoài, nếu không được bảo vệ đúng mức, có thể sẽ khiến hành khách không có đủ thời gian để sơ tán khỏi máy bay một cách an toàn.

Nhiều chuyên gia dự đoán, bất cứ sự tranh cãi kéo dài nào về việc cấp phép có thể khiến thời điểm A321XLR được đưa vào phục vụ thương mại bị trì hoãn từ cuối năm 2023 đến năm 2024 hoặc chậm hơn nữa. Nếu trường hợp này xảy ra, Boeing được dự đoán sẽ vận động các hãng hàng không chờ thêm một vài nãm nữa cho sự ra mắt của một mẫu máy bay hoàn toàn mới mà nhiều người trong ngành cho là sẽ vượt trội hơn hẳn A321XLR.