EU mất 120 tỷ euro do tham nhũng mỗi năm

ANTĐ - Liên hiệp châu Âu lao đao trong khủng hoảng tài chính từ nhiều năm qua, vậy mà mỗi năm nạn tham nhũng đang lấy đi của lục địa này 120 tỷ euro, gần bằng ngân sách chung hàng năm. Đó là kết luận khiến người ta phải bàng hoàng của một cuộc nghiên cứu về nạn tham nhũng được tiến hành tại 28 nước thành viên EU vừa được Ủy ban châu Âu công bố. Hơn 3/4 người dân châu Âu tham gia khảo sát cho rằng nạn tham nhũng là vấn đề phổ biến, trong khi hơn một nửa nói mức độ tham nhũng đang ngày càng gia tăng.

Tham nhũng ở mọi nơi

Bà Cecilia Malmstrom - Ủy viên đặc trách nội vụ của Ủy ban châu Âu cho rằng, tổng thiệt hại do tham nhũng gây ra có thể “cao hơn rất nhiều” so với mức 120 tỷ euro. Bà Malmstrom nhận định, quy mô của nạn tham nhũng tại châu Âu “đáng kinh ngạc”. Không phải đến khi công bố báo cáo trên thì dư luận châu Âu mới nhận thấy tham nhũng đang trở nên phổ biến ở khắp lục địa già. Báo Le Monde cho biết, một cuộc thăm dò dư luận được tiến hành từ đầu năm 2013 đã cho thấy, 56% người dân châu Âu cho rằng tham nhũng đang phát triển mạnh ở lục địa này trong những năm qua và 81% người được hỏi tố cáo mối liên hệ “rất mờ ám” giữa các chính trị gia và các lãnh đạo kinh tế, 75% lãnh đạo các doanh nghiệp thừa nhận tham nhũng có ở đất nước họ.

Đứng hàng đầu trong số các nước tham nhũng tràn lan nhất là Hy Lạp. Mặc dù nước này đã có nhiều cố gắng như chỉ định một điều phối viên quốc gia chống tham nhũng, nhưng hiện tượng hối lộ, lót tay vẫn cứ diễn ra. Xếp hạng sau nhà vô địch Hy Lạp là đến các thành viên như Hungari, Litva, Ba Lan và Roumani. Những nước bắc Âu cùng với Đức và Anh là những nước có vẻ như “sạch sẽ” nhất theo báo cáo này.

Theo Le Monde, đó là những nước có cơ chế giám sát tài chính rất chặt chẽ các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao, có các biện pháp xử phạt mạnh mẽ các trường hợp tham nhũng. Như Anh, năm 2011 nước này đã thông qua một bộ luật chống tham nhũng được cho là nghiêm khắc nhất thế giới, phạt nặng từ đối tượng tham nhũng cho đến truy cứu trách nhiệm hình sự cả các công ty để xảy ra tham nhũng. Chỉ có khoảng 5 trong tổng số 1.115 người Anh tham gia khảo sát (chưa đến 1%) cho biết họ bị đẩy vào tình thế phải đưa hối lộ. Tuy nhiên 64% người dân Anh cho rằng tham nhũng là vấn đề phổ biến tại nước này. Đây là mức thấp hơn mức trung bình 74% của toàn EU. Tuy nhiên, báo cáo cũng kêu gọi Anh cần mạnh tay hơn trong việc kiểm soát các công ty của nước này “hối lộ” khi thực hiện hợp đồng ở nước ngoài.

               

Còn ở Đức, hiệp hội các thành phố đã soạn thảo ra một danh sách dài các biện pháp chống tham nhũng, đặc biệt trong các dự án dùng ngân sách Nhà nước như cấm nhận quà cáp, kiểm soát chặt chi tiêu tài chính bằng các cơ quan giám sát độc lập, đưa vào danh sách đen các doanh nghiệp dính líu đến tham nhũng không cho tham gia các dự án dùng ngân sách Nhà nước...

Hối lộ lan rộng

Pháp được xếp vào vị trí thứ 10 trên bảng “danh sách tham nhũng” , tuy nhiên tờ Le Figaro dẫn báo cáo điều tra của Ủy ban châu Âu cho biết là khác với các nước trong Liên hiệp, Pháp tránh được tình trạng “tham nhũng vặt” như hối lộ, lót tay thông thường, thế nhưng tham nhũng lớn thì lại không chống được, đặc biệt trong việc phân bổ các dự án theo ngân sách Nhà nước và đàm phán các hợp đồng lớn với nước ngoài. Pháp là nước có tới 70 đến 80% các nghị sĩ Quốc hội giữ thêm ít nhất một chức vụ khác. Điều này có thể dẫn đến tình trạng “xung đột lợi ích”, một mảnh đất tốt cho tham nhũng nảy nở. Châu Âu cũng phê bình Pháp là quá thụ động, không có đủ các công cụ pháp lý xử lý các trường hợp công dân Pháp tham nhũng ở nước ngoài.

Bản báo cáo của Ủy ban châu Âu cũng chỉ ra một số điều đáng lo ngại rằng, các thương vụ mua sắm công (chiếm 1% GDP của EU) dễ bị ảnh hưởng bởi tham nhũng nhất. Nguy cơ tham nhũng thường cao hơn ở cấp địa phương và khu vực.

EU có một cơ quan chống tham nhũng là OLAF, vốn tập trung vào những vụ lừa đảo và tham nhũng ảnh hưởng đến ngân sách chung của cả khối. Tuy nhiên, cơ quan này lại hoạt động với ngân sách khá eo hẹp, chỉ khoảng 23,5 triệu euro một năm, theo số liệu của năm 2011. Europol ước tính hiện có khoảng 3.000 băng đảng tội phạm có tổ chức, với những mạng lưới tinh vi đang hoạt động dọc khắp châu Âu, tập trung chủ yếu tại Bulgaria, Romania và Italia. Tuy nhiên, những đối tượng tội phạm không có tính chất bạo lực như đưa hối lộ và lừa đảo thuế giá trị gia tăng (VAT) lại hoạt động tại nhiều nước EU. Năm ngoái, Giám đốc Europol, ông Rob Wainwright cho biết các vụ lừa đảo VAT trên thị trường trao đổi khí thải carbon cho đến nay đã khiến EU tổn thất khoảng 5 tỷ euro.

Nhiều công dân EU tin rằng việc tham nhũng trở nên trầm trọng hơn là kết quả của cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng tiền chung châu Âu. Ông Juan Fernando López Aguilar – Chủ tịch Ủy ban tự do công dân, tư pháp và nội vụ của Nghị viện châu Âu cho biết: “Trong thời điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính này, việc thu hồi các khoản tiền bất hợp pháp cho nền kinh tế là cực kỳ quan trọng, các khoản tài chính này rất cần thiết cho thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm”.