EU hết đường lùi

ANTĐ - Thủ tướng Italy vừa lên tiếng cảnh báo sẽ “không thể tha thứ được” nếu Hội nghị thượng đỉnh EU sắp tới không đưa ra được những biện pháp và hành động cụ thể để giải quyết tình trạng thất nghiệp đang ở mức cao kỷ lục.

EU hết đường lùi ảnh 1
Dòng người tìm việc làm ở Tây Ban Nha


Thực tế tỷ lệ thất nghiệp ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã chạm mức kỷ lục. Với 62 nghìn người mất việc, tháng 3 vừa rồi đã trở thành tháng thứ 23 liên tiếp có tỷ lệ thất nghiệp tăng. Hệ quả là số người thất nghiệp hiện nay ở châu Âu lên tới con số báo động: 26,5 triệu, trong khi khu vực này vẫn chưa thoát khỏi suy thoái bởi các biện pháp thắt lưng buộc bụng.

Các số liệu mới nhất từ Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết tình cảnh của Hy Lạp vẫn được coi là bi đát nhất, khi tỷ lệ thất nghiệp ở nước này vẫn tiếp tục tăng, lên mức 27,2% trong tháng 1. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở Bồ Đào Nha tăng từ 15,1% trong tháng 2 lên 17,5% trong tháng 3. Còn tại Síp, con số này tăng từ 10,7% lên 14,2%. Quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất là Áo, với tỷ lệ số người không có việc làm giảm nhẹ xuống 4,7% và Đức, giữ nguyên ở mức 5,4%.

Đáng ngại là thất nghiệp đang tập trung vào giới trẻ. Trong tháng 3, 24% số lao động dưới 25 tuổi ở Eurozone thất nghiệp và đối với EU là 23,5%, so với các mức tương ứng 22,5% và 22,6% của một năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ ở Hy Lạp tăng lên 59,1% trong tháng 1, còn ở Tây Ban Nha là 55,9%, ở Italy là 38,4%, ở Bồ Đào Nha là 38,3%.

Điều gì sẽ xảy ra khi sự khốn khó của giới trẻ không được giải quyết? Thủ tướng Italy E. Letta đã phải thừa nhận rằng: “Không có việc làm thanh niên sẽ chẳng có điều gì để hy vọng”. Chính vì thế mà ông E. Letta đã chủ động bàn với người đồng cấp Tây Ban Nha M. Rajoy thành lập ủy ban chung để soạn thảo chiến lược về tạo công ăn việc làm cho giới trẻ. Chiến lược này sẽ được Italy và Tây Ban Nha cùng đưa ra xem xét tại hội nghị thượng đỉnh EU, dự kiến diễn ra vào ngày 27 và 28-6 tới.

Có điều là vào thời điểm hiện nay châu Âu vẫn thiếu những nguồn lực cần thiết để dập tắt “bệnh dịch” thất nghiệp đang tràn khắp châu lục. Để tháo bỏ gánh nặng nợ công, châu Âu không có con đường nào khác là phải “thắt lưng buộc bụng”. Chi tiêu giảm sẽ dẫn đến sản xuất giảm, lạm phát giảm và hệ quả là sản xuất đình đốn, nhà máy bị đóng cửa, nhân công bị sa thải. Đó là cái vòng luẩn quẩn mà châu Âu chưa tìm được lối ra.   

Mọi hy vọng được đổ dồn về Hội nghị thượng đỉnh EU sắp tới. Sức ép đang đặt lên vai các nhà lãnh đạo 17 nước thành viên Eurozone, những người được coi là sẽ phải sớm hoàn tất việc thành lập liên minh ngân hàng đầy đủ nhằm ổn định hệ thống tài chính của khu vực đồng tiền chung, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. EU không còn con đường lùi, đúng như lời của ông E. Letta, Thủ tướng Italy “Tất cả chúng ta đều đang cùng ở trên một con thuyền, cùng một thị trường chung, vì vậy việc thúc đẩy tăng trưởng và giảm tỷ lệ thất nghiệp sẽ đem lại lợi ích cho tất cả chúng ta”.