EU cam kết viện trợ Việt Nam bất chấp căng thẳng tại biển Đông

ANTĐ - Tiến sĩ Franz Jessen, Đại sứ- Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam khẳng định, EU cam kết duy trì viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam bất chấp khủng hoảng kinh tế toàn cầu và tình hình căng thẳng trên biển Đông.
Bản tin phát thanh ngày 26-6-2014 do Báo An ninh Thủ đô sản xuất


Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngày 24-6 cho rằng, cuộc tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông phải được giải quyết thông qua luật pháp quốc tế, chứ không phải bằng sức mạnh. 
Tuyên bố trên được ông Lý đưa ra trong bài phát biểu tại Hội đồng quan hệ đối ngoại ở thủ đô Washington của Mỹ.
Thủ tướng Lý Hiển Long nói rằng tuy không phải là một bên tranh chấp, nhưng Singapore ủng hộ các nỗ lực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thương thảo với Trung Quốc về một bộ quy tắc ứng xử (COC) để quản lý và giải quyết các tranh chấp lãnh thổ đang có chiều hướng gây căng thẳng hơn cho khu vực. 
Tại Hà Nội ngày 25-6, Tiến sĩ Franz Jessen, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam khẳng định, EU cam kết duy trì viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam, bất chấp khủng hoảng kinh tế toàn cầu và tình hình căng thẳng trên biển Đông.
Đại sứ Jessen khẳng định: “Đối với Việt Nam, EU có những kế hoạch đầu tư và viện trợ dài hạn và cơ chế tài chính rất chắc chắn. Vì là các chính sách dài hạn nên sẽ không bị ảnh hưởng bởi các sự kiện đương thời".

Ông Lê Minh Tâm, Phó chủ tịch kiêm tổng thư kí hội Luật Gia Việt Nam - Ảnh: T.L

Cũng trong ngày 25-6, Hội Luật gia Việt Nam ra tuyên bố phản đối Trung Quốc tiếp tục leo thang gây căng thẳng tại vùng biển Việt Nam.
Hội Luật gia Việt Nam phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc lập tức rút giàn khoan Haiyang Shiyou 981 (Hải Dương 981) ra khỏi vùng biển Việt Nam, chấm dứt các hành vi sử dụng vũ lực, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của công dân Việt Nam và các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam…
Đồng thời, Hội Luật gia Việt Nam kêu gọi giới luật gia và toàn thể nhân dân các nước trên thế giới lên án mạnh mẽ hành vi vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quyền con người và vi phạm pháp luật quốc tế, của Trung Quốc.
“Hội Luật gia Việt Nam, với số lượng hơn 46.000 hội viên luật gia yêu nước, sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ để chuẩn bị các hồ sơ pháp lý cần thiết cho quá trình này, kiên quyết không để chủ quyền thiêng liêng của đất nước bị xâm phạm”- Tuyên bố của Hội luật gia VN khẳng định.
Tại hiện trường khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou 981 (Hải Dương 981), ngày 25-6, các lực lượng Cảnh sát Biển, Kiểm ngư Việt Nam đã phát hiện nhiều lần, nhiều máy bay quân sự của Trung Quốc tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981 và khu vực giàn khoan Nam Hải 09 mới được đưa vào biển Đông.
Bốn lần máy bay trinh sát Y-8 của Trung Quốc từ Lĩnh Thủy bay xuống trên các biên đội tàu của ta, 1 máy bay cánh bằng dạng tuần thám biển CMS-B3586 bay 4 vòng trên các tàu của Việt Nam ở độ cao khoảng 500-700m. Lực lượng chức năng Việt Nam cũng phát hiện 3 lần máy bay tiêm kích J-11 bay từ Lạc Đông, Trung Quốc đến Đông Bắc Đà Nẵng khoảng 150 km; 2 lần máy bay TU-54 từ Toại Khuê, Trung Quốc bay dọc Đông đường phân định vịnh Bắc Bộ đến Đông Đà Nẵng 150 km (trên khu vực giàn khoan Nam Hải 09).

7 tàu Trung Quốc dàn đội hình truy cản tàu Kiểm ngư 951 của Việt Nam. (Ảnh: Đức Hạnh/VOV)

Khác với mọi ngày, ngày 25-6, Trung Quốc sử dụng nhiều tàu đầu kéo để truy cản các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, trong khi đó, lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam tiếp tục triển khai đội hình chủ động tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981 từ hướng Tây Tây Bắc để đấu tranh tuyên truyền.
Khi các tàu của ta tiếp cận cách giàn khoan từ 8,8 - 11 hải lý; 34 tàu bảo vệ Trung Quốc tổ chức thành các nhóm tàu (mỗi nhóm có từ 5 - 12 tàu các loại) bật còi uy hiếp, sẵn sàng đâm va, ngăn cản các tàu của Việt Nam. Hai tàu hải cảnh của Trung Quốc có số hiệu 3210 và Hải Tuần 31 đã áp sát mạn trái và phía sau tàu Cảnh sát Biển 8003 để hú còi, ngăn cản tàu 8003 thực thi pháp luật trên biển, khoảng cách gần nhất có lúc chỉ 100m. Cùng thời điểm này, 4 tàu hải cảnh khác của Trung Quốc có số hiệu 1112, 2401, 46105 và 31102 cũng tăng tốc, dùng tốc độ cao để áp sát, ngăn cản các tàu Kiểm ngư và tàu Cảnh sát Biển 4032 của Việt Nam.
Riêng tàu hải cảnh 1401 liên tục tăng tốc và ép sát tàu cảnh sát biển 4003 ở cự ly lúc gần nhất khoảng 100m và dùng vòi công suất cao để uy hiếp.
Cùng lúc đó, Trung Quốc đã sử dụng 3 tàu đầu kéo mang số hiệu 281, 284 và 1 tàu kéo không rõ số hiệu cùng một tàu hải cảnh mang số hiệu 4401 truy cản các tàu của kiểm ngư, trong đó tàu kéo mang số hiệu 284 liên tục áp sát tàu kiểm ngư 951 với tốc độ cao để tiếp tục đâm va khi có cơ hội.
Trước sự truy cản quyết liệt của tàu Trung Quốc, lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam vẫn kiên trì bám trụ tại hiện trường, tiếp tục tổ chức tuyên truyền, khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan, cùng tàu hộ tống.