Ép trẻ học tiếng Anh thành ngô ngọng

ANTĐ - Do tiếng Anh là môn học tương đối “khó nhằn” nên hiện nay nhiều bậc phụ huynh đã không tiếc tiền đầu tư cho con em mình làm quen với môi trường tiếng Anh khi chúng chỉ mới bập bẹ nói tiếng mẹ đẻ. Thậm chí, nhiều người còn ép trẻ “ăn ngoại ngữ, ngủ ngoại ngữ, chơi ngoại ngữ…”, khiến không ít trẻ rơi vào tình trạng loạn ngôn ngữ... 

Ép trẻ học tiếng Anh thành ngô ngọng ảnh 1
Các bậc phụ huynh nên cân nhắc khả năng và nguyện vọng của con em
trước khi cho trẻ học ngôn ngữ thứ 2 (ảnh minh họa)


Tiếng Việt còn chưa sõi

Vừa đỗ xe trước cửa cu Bin, 3 tuổi, con chị Nguyễn Lan Phương, ở phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm đã chạy ùa vào nhà líu lô: “Hi granma (chào bà)…”, rồi hôn vào hai bên má bà ngoại với phong cách rất “Tây” khiến bà cậu bé chẳng hiểu cháu mình đang nói gì. Thấy con nói tiếng Anh với bà ngoại, chị Phương nhắc nhở: “Mẹ đã nói với con là về nhà, thấy ông bà phải chào bằng tiếng Việt, khi nào nói chuyện với bố mẹ và chị Bông mới giao tiếp bằng tiếng Anh…”. Không để tâm đến lời nói của mẹ, cậu bé vừa chạy lên gác vừa nói vọng xuống: “Mom, con đi lên gác xem… cartoon (hoạt hình)…”.

Nhìn theo con, chị Phương không giấu nổi lo lắng. Chị dự định trong tuần tới sẽ chuyển trường cho bé, bởi môi trường song ngữ mà gia đình chị đang cho cu Bin theo học khiến cậu bé trở nên khó giao tiếp bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Chị Phương tâm sự, với quan niệm học tiếng Anh sớm sẽ giúp cho trẻ có khả năng hấp thụ ngôn ngữ một cách tự nhiên, chị đã đầu tư cho con theo học lớp mẫu giáo ở một trường quốc tế và học thêm tiếng Anh ở trung tâm Anh ngữ do người nước ngoài giảng dạy. Tuy nhiên, gần đây, chị thấy con có những biểu hiện không bình thường về ngôn ngữ như nhiều lần cậu bé không thể tìm được từ tiếng Việt khi nói chuyện, tiếng Anh cũng chưa đủ giỏi để diễn tả hết nên lắm lúc chị Phương thấy con như đứa trẻ mới bập bẹ biết nói. 

Mong muốn con mình có thể nói tiếng Anh như tiếng Việt, nhiều bậc phụ huynh như chị Phương muốn tạo điều kiện tốt nhất cho các bé làm quen với môn học này ngay từ khi chúng mới vừa tập nói. Tuy nhiên, điều khiến nhiều bậc phụ huynh băn khoăn là không biết bắt đầu cho trẻ học ngoại ngữ ở độ tuổi nào, phương pháp nào cho hợp lý. Sau khi tìm hiểu một số thông tin trên mạng, chị Trần Thanh Hà, ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên đã cho cô con gái 5 tuổi học tiếng Anh ở trường quốc tế hơn 1 năm nay.

Theo chị Hà, những trẻ chưa biết chữ vẫn có thể học được ngoại ngữ, bởi chúng có khả năng “bắt chước” rất nhanh, tốt hơn ở những độ tuổi lớn hơn. Tuy nhiên, do vợ chồng chị hoàn toàn không biết gì về tiếng Anh nên nhiều hôm cô bé chỉ vào đồ vật trong nhà và nói bằng tiếng Anh mà chị chẳng hiểu con đang nói gì. Thậm chí, trong giao tiếp hàng ngày cô bé cũng sử dụng toàn tiếng Anh, thi thoảng mới “đá” vài từ tiếng Việt với giọng lơ lớ, ngọng và nhiều khi sai lỗi chính tả. Khi được mẹ nhắc nhở nên nói tiếng Anh ở lớp, còn về nhà phải nói tiếng Việt với bố mẹ, cô bé trả lời tỉnh queo: “Cô giáo nói với con phải nói tiếng Anh ngay cả khi ở nhà”. Sợ cô bé sẽ không thể nói tiếng mẹ đẻ thành thạo chị Hà đã đưa con đến gặp bác sĩ về ngôn ngữ. Tại đây, chị Hà được bác sĩ cho biết, mặc dù trẻ có khả năng tiếp thu ngoại ngữ nhanh song không áp dụng với mọi trường hợp. Có những trẻ có thể nói “sõi” tiếng mẹ đẻ từ 2-3 tuổi, nhưng cũng có trẻ, do bộ máy phát âm chưa hoàn thiện, nên còn nói ngọng, nói sai. Ở trường hợp này, nên rèn luyện cho trẻ nói thật thành thạo tiếng mẹ đẻ trước khi học ngôn ngữ thứ 2.

Không nên “nhồi” từ sớm

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện có khá nhiều trung tâm ngoại ngữ có những lớp tiếng Anh dành cho trẻ từ   3-6 tuổi. Ngoài ra, các trường quốc tế dành cho trẻ mầm non, tiểu học ngày càng tăng về số lượng. Đó là do không ít bậc phụ huynh sẵn sàng đầu tư cho con, thậm chí cố “nhồi nhét” ngay khi trẻ chưa được học tiếng mẹ đẻ. Một số khác cho con học theo phong trào, vì không muốn con mình “thua chị kém em”. Tuy nhiên, không ít câu chuyện cười ra nước mắt, khi nhiều đứa trẻ lần đầu tiên nhìn thấy thầy giáo người ngoại quốc to cao, mắt xanh, tóc vàng bước vào thì sợ quá khóc thét, thậm chí khi thầy giáo đến gần hỏi bài, trẻ bỏ chạy khỏi lớp… Nhiều bé đi học tiếng Anh lúc chưa biết tiếng Việt nên khi học tiếng Việt thì lại đọc chữ cái theo phiên âm tiếng Anh. 

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thu Phương - nguyên Trưởng Bộ môn Tiếng Anh - trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Du học quốc tế ELS cho hay, trẻ con trước tiên phải học ngôn ngữ mẹ đẻ. Nếu “ép” trẻ học hai thứ tiếng một lúc sẽ không mang lại hiệu quả giáo dục, thậm chí phản giáo dục. Đối với các bé mầm non kể cả dạy tiếng Việt cũng phải theo phương pháp trực âm, trực quan và thực hành. Tuy nhiên để dạy đúng phương pháp này không phải ai cũng làm được. Nhiều bậc phụ huynh vì muốn con mình có thể nói tiếng Anh trôi chảy từ nhỏ nên đã cho con đi học sớm mà không biết rằng họ đang tạo sức ép cho trẻ trong khi chúng còn rất nhiều cơ hội khác. 

Theo Bác sĩ Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và phát triển cộng đồng, nguyên tắc hàng đầu khi học ngoại ngữ là phải tạo cho trẻ tâm lý thoải mái, yêu thích một cách chủ động chứ không nên tạo sự căng thẳng hay ép buộc. Khi trẻ được học một ngôn ngữ thông qua sự kết hợp giữa việc học với những trò chơi bổ ích sẽ tạo cảm giác thích thú cho trẻ. Những hoạt động này sẽ giúp cho trẻ sớm tự tin, bạo dạn hơn khi giao tiếp với người khác và tham gia các hoạt động xã hội sau này. Đó mới thực sự là kỹ năng lớn nhất sẽ đồng hành cùng với trẻ cho đến suốt cuộc đời.