Ép con đẻ cùng tự tử phạm tội gì?

ANTD.VN -  Tôi và chồng cưới nhau được 10 năm, có chung với nhau 2 đứa con. Tuy nhiên, cuộc sống hôn nhân của chúng tôi không hạnh phúc. 

 Minh họa: Internet

Nội dung vụ việc

Do nhiều áp lực, tôi cảm thấy vô cùng khó khăn và bế tắc trong cuộc sống. Điều này dẫn đến việc tôi đã có hành động tự tử bằng thuốc sâu. Hơn thế, do 2 con gái của tôi, cháu 4 tuổi và 9 tuổi chỉ theo tôi. Gia đình nhà chồng không quan tâm chăm sóc nên tôi đã cho 2 con uống thuốc sâu cùng mình. Sau đó gia đình nhà chồng ập vào và đưa đến bệnh viện nên tôi và 2 con đã được cứu sống và phục hồi, sức khỏe bình thường. Tuy vậy, chồng tôi vô cùng tức giận nên đã viết đơn ly hôn và trình báo toàn bộ sự việc với cơ quan công an. 

Tôi muốn biết theo quy định của pháp luật hiện hành, việc cho 2 con tự tử cùng tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Nếu có thì tôi phạm tội gì? 

Nguyễn Thị Lý (Văn Giang - Hưng Yên)

 Ý kiến bạn đọc 

Tội bức tử

Cho dù vì bất cứ lý do gì, hành vi ép con cùng chết là cố tình tước đoạt đi mạng sống của đứa trẻ. Hành động của chị diễn ra theo ý chí chủ quan của cá nhân mà không hiểu rằng những đứa con của mình vô tội và quyền sống là quyền thiêng liêng nhất không ai có quyền xâm hại, quyền đó được pháp luật bảo vệ.

Cho dù chồng chị có lỗi lầm gì và chị đang phải gánh chịu những áp lực ra sao thì hành vi giết 2 con của chị cũng không thể biện minh được. Mạng sống của con người là tài sản quý nhất, được pháp luật bảo vệ, chị đã nhẫn tâm cướp đi mạng sống của chính 2 con ruột của mình, trong khi hai cháu còn rất nhỏ và hoàn toàn không liên quan gì đến những lý do mà chị tự tử. Căn cứ vào hành vi của chị trong vụ việc này, tôi cho rằng hành vi của chị đã đủ yếu tố cấu thành tội bức tử theo quy định tại Điều 100, Bộ luật Hình sự.

 Hoàng Anh Tuấn (Ân Thi - Hưng Yên)

Tội giết người

Khi ép con tự tử cùng, có lẽ xuất phát từ tâm lý chị lo sợ sau khi mình chết, con cái phải sống khổ nên để con chết cùng sẽ tốt hơn. Bên cạnh đó là động cơ muốn trả thù, để người ở lại cảm thấy hối hận, day dứt vì những việc họ đã làm. Tuy nhiên, việc làm của chị đã gây hậu quả nặng nề cho những đứa trẻ, cho chính gia đình mình và xã hội. Trẻ con không có khả năng tự vệ, sự sống chết của chúng phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ.

Nên khi bị cha mẹ ép buộc phải hủy hoại sự sống của mình, khả năng tử vong của những đứa trẻ là rất cao. Cho dù trong trường hợp này, 2 đứa trẻ may mắn sống sót, nhưng chúng sẽ phải chịu sự giày vò đau đớn trong thời gian dài đồng thời bị tổn thương nghiêm trọng về sức khỏe và tinh thần. Trong vụ việc này, tôi cho rằng hành vi của chị đã vi phạm quy định tại Bộ luật Hình sự và đủ yếu tố cấu thành tội giết người với hai tình tiết tăng nặng là: giết nhiều người và giết trẻ em. 

Đỗ Trung Dũng (Sầm Sơn - Thanh Hóa)

Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh

Có thể trong cuộc sống chị thường phải đối mặt với những áp lực nên khi gặp khó khăn về kinh tế hay đối mặt với những xung đột trong gia đình đã không tìm được cách giải quyết, cho rằng mình đã ở bước đường cùng nên nghĩ đến cái chết để giải thoát cho tất cả.

Ngoài ra, do cuộc sống không hạnh phúc và gặp phải nhiều áp lực nên có thể chị bị trầm cảm, stress trong thời gian dài, thậm chí là có dấu hiệu của bệnh hoang tưởng, loạn thần. Trong cơn quẫn trí, chị đã ép hoặc lừa các con uống thuốc trừ sâu nhằm mục đích để “trả thù” người chồng.

Tôi cho rằng chị đã có hành động dại dột như vậy trong hoàn cảnh trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Hành vi của chị trong vụ việc này đã vi phạm Điều 95, Bộ luật Hình sự, tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. 

Hoàng Kiều Trang (Vị Thanh - Hậu Giang)

 Bình luận của luật sư 

Căn cứ theo nội dung của vụ việc này, có thể khẳng định hành vi của chị Nguyễn Thị Lý ép hai con gái 4 tuổi và 9 tuổi uống thuốc sâu cùng mình là hành vi tội phạm, vì hành vi đó có thể dẫn đến hậu quả gây chết người - trong khi tính mạng, sức khỏe của công dân được pháp luật hình sự bảo vệ. Tuy nhiên, đây không phải là hành vi “bức tử”.

Luật Hình sự có quy định về tội bức tử. Theo đó, những dấu hiệu của tội này là một người có hành vi “đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình”, dẫn đến việc “làm người đó tự sát”. Ở đây, hai con của chị Lý không tự sát. Do vậy, chị Lý không có dấu hiệu của tội bức tử. Luật Hình sự cũng có quy định về tội “xúi giục hoặc giúp người khác tự sát”.

Theo đó người nào có hành vi “xúi giục làm người khác tự sát” hoặc “giúp người khác tự sát” thì phạm tội này. Tuy nhiên, 2 con của chị Lý còn quá nhỏ, nên chắc chắn chưa thể hiểu hay có ý định gì liên quan đến việc tự sát. Do vậy, cũng không thể quy kết chị Lý về tội danh này. Về ý kiến cho rằng, chị Nguyễn Thị Lý đã phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo Điều 95, Bộ luật Hình sự.

Theo quy định của pháp luật, phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh phải do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó. Căn cứ vào nội dung vụ việc thì có thể thấy không có cơ sở để khẳng định chị Lý đã phạm vào tội này.

Theo chúng tôi, trong vụ việc này chị Lý đã phạm vào tội giết người theo Điều 93, Bộ luật Hình sự. Chị Nguyễn Thị Lý đã thực hiện hành vi trái quy định pháp luật là cho con uống thuốc để tự tử cùng mình với lý do có đời sống khó khăn, không hạnh phúc trong hôn nhân. Dựa vào những hành vi của chị Nguyễn Thị Lý trong vụ việc này, chúng tôi xác định có đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người.

Căn cứ vào Điều 93, Bộ luật Hình sự, căn cứ những hành vi cụ thể mà chị Lý đã thực hiện, chúng tôi nhận thấy hành vi của chị Lý đã đủ dấu hiệu cấu thành tội giết người, cụ thể như sau:

- Về khách thể: Hành vi của chị Lý đã xâm phạm đến tính mạng con người, cụ thể là tính mạng của hai con gái bởi việc chị Lý cho con uống thuốc sâu có thể sẽ tước đoạt tính mạng của con.

- Về mặt khách quan: Chị Lý đã thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng của người khác, hành vi tước đoạt tính mạng của người khác được hiểu là hành vi có khả năng gây ra cái chết cho con người, chấm dứt sự sống của họ. Cụ thể chị Lý đã cho con uống thuốc sâu và thuốc sâu chưa được coi là một loại thuốc độc, nếu không được rửa ruột kịp thời thì sẽ gây thiệt mạng. 

Trong trường hợp của chị Lý, dù hành vi cho con uống thuốc sâu chưa gây ra hậu quả chết người (tước đoạt tính mạng của hai con) nhưng vẫn thuộc tội giết người bởi trong trường hợp này chị Lý đã phạm tội giết người nhưng chưa đạt (phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội do gia đình chồng chị Lý ập vào đưa đi bệnh viện (nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của chị Lý) nên con chị Lý mới không bị tước đoạt tính mạng.

Người phạm tội chưa đạt vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt, do đó chị Lý vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này dù hậu quả chết người chưa xảy ra.

- Về mặt chủ quan: Hành vi của chị Lý có lỗi cố ý trực tiếp, dù biết hậu quả sẽ xảy ra nhưng vẫn thực hiện và mong muốn nó xảy ra. Chị Lý chắc chắn nhận thức được rằng việc cho con uống thuốc sâu thì sẽ dẫn đến hậu quả chết người nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi đó.

 Luật sư Đoàn Mạnh Hùng (Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh)