Ép con bán dâm, phạm tội gì?

ANTD.VN - Theo nội dung đơn tố cáo của ông Nguyễn Văn B. gửi đến cơ quan công an, vợ ông là bà Trịnh Thị V. ép buộc 2 con chưa thành niên bán dâm. 

Cụ thể, bà Trịnh Thị V. ham mê cờ bạc, đến năm 2016 nợ nần chồng chất nên bỏ nhà đi. Tháng 6-21016, bà V. về nhà, gặp 2 cô con gái đang tuổi đi học và nói rằng rất nhớ các con, muốn đưa con vào TP.HCM để chăm sóc, cho ăn học đàng hoàng. Hai con của bà V. là N.T.L (17 tuổi) và N.T.N (15 tuổi) tin lời đã theo mẹ vào TP.HCM mà không kịp nói với bố. Sau đó, bà V. đã dẫn em L. đến gặp một người đàn ông để bán trinh với giá 2.000USD. Sau lần đó, rất nhiều lần L. bị mẹ dùng vũ lực đe dọa, đánh đập ép buộc bán dâm và bảo với L. rằng phải làm việc này để giúp mẹ lấy tiền trả nợ cờ bạc. Em N.T.N cũng nhiều lần bị mẹ ép bán dâm giống chị. Sau một lần “thoát” được sự kiểm soát của mẹ, 2 chị em L. và N. đã bỏ trốn. 

Vấn đề đặt ra ở đây, là hành vi ép 2 con bán dâm của bà Trịnh Thị V. sẽ bị truy tố về tội gì?

Ý kiến bạn đọc

Phạm 2 tội

Tôi cho rằng hành vi của bà Trịnh Thị V. trong vụ việc này là không thể chấp nhận được về mặt đạo đức, còn về mặt pháp luật thì hành vi này có dấu hiệu cấu thành tội mua bán phụ nữ với tình tiết định khung tăng nặng là bán dâm theo Điều 119, Bộ luật Hình sự, bởi rõ ràng hành vi bà Trịnh Thị V. là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực nhằm ép cho bằng được con, em mình bán thân xác cho khách làng chơi. Ngoài ra theo tôi, trong vụ việc này bà Trịnh Thị V. còn phạm thêm tội chứa mại dâm theo điều 254 Bộ luật Hình sự. Theo tôi được biết, pháp luật quy định tội chứa mại dâm là hành vi tạo điều kiện vật chất và tinh thần cho hoạt động mại dâm được thực hiện. Theo tôi thấy, rõ ràng bà Trịnh Thị V. đã có hành vi đồi bại là rao bán trinh của con gái mình để lấy tiền trả nợ cờ bạc. Hành vi này chính là việc tạo điều kiện cho hoạt động mại dâm được thực hiện. Do đó theo tôi cần phải xử lý nghiêm hành vi của bà Trịnh Thị V. theo quy định pháp luật.

Nguyễn Hồng Sơn (Văn Chấn - Yên Bái)

Đồng phạm tội hiếp dâm

Theo tôi, 2 người trong vụ việc này bao gồm bà mẹ, người mua trinh đều có dấu hiệu phạm tội hiếp dâm theo Điều 112, Bộ luật Hình sự. Cả hai em L. và N. đều không đồng ý chuyện giao cấu nhưng bị mẹ ép buộc bằng vũ lực (có thể là đánh đập, đe dọa) bắt phải bán trinh. Bà Trịnh Thị V. phạm tội hiếp dâm với vai trò chủ mưu bởi đã đứng ra tổ chức việc bán trinh, bán dâm. Người mua trinh đương nhiên sẽ biết chuyện này nên phạm tội hiếp dâm. Có thể nói trong vụ việc này, hai em đã bị người khác dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác để giao cấu trái ý muốn. Vì vậy, theo tôi đây là vụ án hiếp dâm có nhiều người cùng thực hiện tội phạm, trong đó người mẹ và người chị là người tổ chức, khách hàng là người thực hành.

Đoàn Thị Hà (Tiên Lãng - Hải Phòng)

Tội môi giới mại dâm 

Với mục đích cần tiền để trả nợ cờ bạc, bà Trịnh Thị V. đã lấy vai trò làm mẹ để dụ dỗ và ép buộc 2 con đẻ của mình phải bán trinh và bán dâm. Như vậy, bà Trịnh Thị V. đã nhận thức được hành động của mình và thực hiện hành vi của mình một cách cố ý. Nói cách khác bà Trịnh Thị V. đã có hành vi của người làm trung gian để dụ dỗ, dẫn dắt các bên thực hiện việc mua, bán dâm. Căn cứ theo Điều 255, Bộ luật Hình sự, tôi cho rằng bà Trịnh Thị V. đã phạm tội môi giới mại dâm và cần phải bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật. 

Nguyễn Toàn Thắng (Quảng Trạch - Quảng Bình)

Bình luận của luật sư 

Trong vụ việc này, chúng tôi cho rằng không có hành vi dùng tiền mua bán con người (phụ nữ), coi con người như món vật để trao đổi, mua bán nên không có dấu hiệu phạm tội mua bán phụ nữ. Ngoài ra bà Trịnh Thị V. cũng không có dấu hiệu phạm tội chứa mại dâm vì bà Trịnh Thị V. không có hành vi cho thuê hay cho mượn chỗ làm nơi tụ tập mua bán dâm (theo quy định tại Điều 3, Pháp lệnh Phòng chống mại dâm thì hành vi chứa mại dâm là hành vi sử dụng, thuê, cho thuê hoặc mượn, cho mượn địa điểm, phương tiện để thực hiện việc mua dâm, bán dâm).

Đối với ý kiến cho rằng bà Trịnh Thị V. phạm tội hiếp dâm, theo chúng tôi, hành vi của bà Trịnh Thị V. mặc dù là dụ dỗ, ép buộc con gái mình phải quan hệ tình dục với người khác để lấy tiền trả nợ cờ bạc, tuy nhiên do việc này đã diễn ra trong một thời gian dài, hơn nữa cũng không xác định được các đối tượng đã thực hiện được hành vi mua trinh tiết cũng như mua dâm các em nên khó có thể khởi tố về hành vi hiếp dâm.

Trước hết, có thể thấy trong vụ việc này bà Trịnh Thị V. đã dùng lời nói dụ dỗ, dùng hành động đánh đập, đe dọa đánh đập để ép hai con dưới 18 tuổi của mình thực hiện hành vi bán dâm. Hành vi này có dấu hiệu của tội dụ dỗ, ép buộc người chưa thành niên phạm pháp theo Điều 252, Bộ luật Hình sự.

Mặt khách quan của tội phạm này là có một trong các hành vi dụ dỗ, ép buộc, chứa chấp người chưa thành niên hoạt động phạm tội, sống sa đọa. Sống sa đọa ở đây được hiểu là sống buông thả, sa vào các tệ nạn như hút, chích, ma túy, mại dâm… Ở đây, hai em gái bị dụ dỗ, ép buộc sống sa đọa và hành động phạm pháp là buộc phải bán dâm. Đây là tội xâm phạm đến chính sách của Nhà nước về việc bảo vệ sự phát triển lành mạnh của thế hệ trẻ. Như chúng ta đã biết, người chưa thành niên trí óc còn non nớt, tuổi đời còn nhỏ dại, nên mọi sự dụ dỗ, ép buộc, chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp là một điều rất vô nhân đạo và rất nguy hại đối với xã hội cần phải xử lý nghiêm theo pháp luật.  

Ngoài ra, căn cứ vào dữ liệu của vụ việc, bà Trịnh Thị V. ép buộc cháu L. và N. bán trinh và sau đó dụ dỗ, ép buộc 2 em bán dâm cho nhiều người để lấy tiền trả nợ cờ bạc. Hành vi này của bà Trịnh Thị V. còn phạm vào tội môi giới mại dâm với tình tiết tăng nặng là phạm tội nhiều lần đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Theo quy định của pháp luật, tội môi giới mại dâm là hành vi làm trung gian cho hoạt động mua, bán dâm. Người môi giới mại dâm có thể chủ động tạo điều kiện cho người có nhu cầu bán dâm gặp gỡ với người có nhu cầu mua dâm hoặc ngược lại, rồi để hai bên thỏa thuận về giá cả, địa điểm mua bán, thời gian... Tội môi giới mại dâm không chỉ trực tiếp xâm phạm đến trật tự công cộng, mà còn xâm phạm đến đạo đức truyền thống, nếp sống văn minh và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Theo quy định tại Điều 255, Bộ luật Hình sự thì “Người nào dụ dỗ hoặc dẫn dắt người mại dâm thì bị phạt tù…”. Như vậy, chỉ cần có hành vi dụ dỗ hoặc dẫn dắt người mại dâm (gọi chung là môi giới) thì đã cấu thành tội môi giới mại dâm mà không cần đến yếu tố người môi giới có thu lợi gì từ hành vi môi giới đó hay không. 

Về việc xử lý: Người thực hiện hành vi môi giới mại dâm, tùy từng trường hợp cụ thể, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại khoản 3, Điều 22, Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12-7-2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội thì người có hành vi “dẫn dắt hoạt động mại dâm” nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Trong trường hợp của vụ việc này, do có nhiều tình tiết tăng nặng nên bà Trịnh Thị V. phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự .

Điều 252. Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp 

1. Người nào dụ dỗ, ép buộc người chưa thành niên hoạt động phạm tội, sống sa đọa hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Có tổ chức;

b) Dụ dỗ, ép buộc, chứa chấp, lôi kéo nhiều người;

c) Đối với trẻ em dưới 13 tuổi;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này, thì còn có thể bị phạt quản chế từ 1 năm đến 5 năm.

Điều 255. Tội môi giới mại dâm 

1. Người nào dụ dỗ hoặc dẫn dắt người mại dâm thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:

a) Đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi;

b) Có tổ chức;

c) Có tính chất chuyên nghiệp;

d) Phạm tội nhiều lần ;

đ) Tái phạm nguy hiểm;

e) Đối với nhiều người;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

a) Đối với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 10 đồng.