E rằng không tăng được!

ANTĐ - Chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã trở nên “nóng bỏng” không kém phần gay gắt trong phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau những hội nghị, hội thảo với rất nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của các chuyên gia giáo dục, giáo sư, nhà quản lý và nhà giáo, chương trình sách giáo khoa phổ thông, nền móng của cả hệ thống giáo dục quốc gia, được đặt trên bàn nghị sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với những phân tích, “mổ xẻ” sâu sắc, thấu đáo. 

Chia sẻ tâm trạng bức xúc của cả xã hội, đa số các ủy viên của Ủy ban đều tỏ ra không hài lòng về chất lượng chương trình, sách giáo khoa. Phó Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi: Nhà nước luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Ưu ái như vậy nhưng hiện nay giáo dục Việt Nam đứng thứ mấy trong các nước khu vực? Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên, Nhi đồng cho rằng, dù luôn được coi là quốc sách nhưng tư tưởng này chưa được thấm nhuần trong tất cả các cấp.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thẳng thắn bày tỏ, giáo dục luôn được dành một phần đáng kể trong “miếng bánh” ngân sách, song thực tế 20% ngân sách là chi cho cả Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH, tức là bao gồm giáo dục - đào tạo - dạy nghề. Đào tạo cho giáo dục phổ thông là rất lớn, nhưng do phát triển nhanh, bình quân một năm tăng 250 trường, nên tiền tuy có tăng, song chi cho từng trường không đảm bảo. Không có tiền để mua sắm thiết bị, hóa chất thí nghiệm trong dạy học.

 Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết một thực tế, giáo viên nhiều nơi thừa, chỗ lại thiếu. Thừa giáo viên Văn, Toán, thiếu giáo viên các môn khác nên phải dạy chéo, chất lượng không đảm bảo. Một câu hỏi lớn được đặt ra nhiều năm nay mà ngành giáo dục chưa thể trả lời được: chương trình, sách giáo khoa vì sao quá nặng? Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội phàn nàn về sự nhồi nhét kiến thức cho học sinh phổ thông quá nặng, hàn lâm, trong khi lại thiếu kiến thức đơn giản, thiết thực nhất. Ông nói thẳng: ngày xưa học sử là thấy yêu sử, học địa thấy yêu địa, mà giờ học sinh sợ học, chán học các môn này. Môn toán ở phổ thông học tích phân, vi phân đến lúc vào đại học cũng lại học tích phân, vi phân. Chính vì vậy, dự thảo Nghị quyết của Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc đảm bảo chất lượng và chương trình sách giáo khoa phổ thông yêu cầu giảm số môn học bắt buộc, tăng số môn học tự chọn phù hợp với năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp của học sinh. 

Về chuyện thiếu tiền của ngành giáo dục, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, ngoài 20% ngân sách dùng cho giáo dục, còn những khoản đóng góp rất lớn từ phụ huynh. Nếu cứ tư duy thiếu tiền nên không đảm bảo được chất lượng, thì dù có tăng chi cao hơn 20%, liệu chất lượng có tăng tỷ lệ thuận được không? 

“E rằng không tăng được”, ông Chủ nhiệm nhấn mạnh.