Dứt khoát sẽ xử lý xe hợp đồng "trá hình"

ANTĐ - Tình trạng xe khách “núp” bóng hợp đồng để hoạt động chở khách liên tỉnh gây náo loạn các tuyến phố nội đô đã diễn ra nhức nhối thời gian gần đây. Tình trạng bát nháo này một phần là do sự “dễ dãi” của luật đã “đẻ” ra loại xe trung chuyển hành khách để các đối tượng lợi dụng bắt khách giữa trung tâm thành phố.

Dứt khoát sẽ xử lý xe hợp đồng "trá hình" ảnh 1

Xe khách “trá hình” hoạt động đón khách trên phố (Ảnh chụp trên đường Lê Văn Lương)

Quản lý lỏng lẻo

Thời gian gần đây,trên địa bàn Thủ đô thường xuyên xuất hiện những loại xe từ 16-24 chỗ ngồi hoạt động đón/trả khách ngay giữa phố. Những chiếc xe này có danh nghĩa là xe hợp đồng, xe trung chuyển nhưng lại hoạt động như xe chở khách tuyến cố định, có bán vé, thu tiền hành khách theo quãng đường di chuyển. Tình trạng này không chỉ diễn ra tại Hà Nội mà còn tại hầu hết các đô thị lớn, các tỉnh, thành phố có lưu lượng vận tải đông như TP. HCM, Lào Cai… 

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, do điều kiện kinh doanh đơn giản nên nhiều đơn vị vận tải đã lợi dụng để đặt chỗ thay cho hành khách rồi đón trả khách dọc các tuyến quốc lộ, gây ra tình trạng tranh giành khách gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát.

Bên cạnh đó, việc các địa phương siết chặt quản lý điều kiện kinh doanh vận tải theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng taxi đã khiến cho loại hình vận tải hành khách bằng xe hợp đồng phát triển mạnh. Điều này đã dẫn đến tình trạng xe hợp đồng cạnh tranh không lành mạnh với xe chạy tuyến cố định, hiện tượng “xe dù, bến cóc” do xe hợp đồng gây nên diễn biến phức tạp, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM.

Đại diện Sở GTVT Lào Cai cho hay, qua kiểm tra cho thấy, chế tài với xe hợp đồng rất đơn giản, không có mẫu hợp đồng cụ thể, danh sách hành khách, ngày tháng, hành trình, nơi xuất bến, điểm đến… hầu như để trống. Trong khi đó, việc cấp phép kinh doanh vận tải với xe hợp đồng rất đơn giản.  

Kẽ hở từ... chính sách

Trong khi vận tải khách du lịch đòi hỏi phải có nhiều điều kiện ngặt nghèo thì các xe hợp đồng hiện chỉ xin cần xin cấp phù hiệu là đã có thể vận chuyển khách du lịch. Vì thế, thời gian qua, số doanh nghiệp xin cấp phù hiệu xe hợp đồng gia tăng còn số doanh nghiệp xin cấp phù hiệu xe vận chuyển khách cố định lại giảm.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, theo nhiều doanh nghiệp, là do Thông tư 63/2014/TT-BGTVT của Bộ GTVT có quy định về loại xe trung chuyển (dưới 16 chỗ ngồi) để đưa khách đến các bến xe, các điểm đón/trả khách trên tuyến.

Ngay tại thời điểm Bộ GTVT đang dự thảo Thông tư 63, nhiều doanh nghiệp cũng như Hiệp hội vận tải, chuyên gia giao thông đã lên tiếng cảnh báo loại xe này có thể sẽ biến tướng thành xe chở khách cố định, vào nội thành để đón/trả khách.

Tuy nhiên, không hiểu tại sao, những ý kiến này không được tiếp thu. Đến nay, Bộ GTVT cũng phải thừa nhận, Thông tư 63 và Nghị định 86/NĐ-CP đã tạo ra kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, trong lần sửa đổi Nghị định 86/NĐ-CP tới đây, dứt khoát sẽ đưa ra cách xử lý tình trạng xe hợp đồng. Cụ thể, trong năm 2016, Tổng cục Đường bộ sẽ xây dựng phần mềm để quản lý xe hợp đồng. Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng nêu quan điểm, cần siết chặt điều kiện kinh doanh của xe hợp đồng với những điều kiện cao hơn vận tải tuyến cố định.        

Từ đầu năm 2016 đến nay, Sở GTVT Hà Nội đã thu hồi phù hiệu 1 tháng đối với 22 “xe hợp đồng”, 49 phù hiệu “taxi Hà Nội”. Các xe này đều có từ 5 lần vi phạm tốc độ trở lên hoặc chạy sai hành trình tuyến.