Dương thế có ‘‘giao lưu” được với âm phủ?

ANTĐ - Trong cuộc sống, người ta vẫn thường nói đến những câu chuyện ''vong nhập'', lấy người sống để áp vong người chết, cho dương thế “giao lưu” với âm phủ? Đó có thực sự là câu chuyện có thật hay không thì vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp một cách thỏa đáng bằng khoa học.
Dương thế có ‘‘giao lưu” được với âm phủ? ảnh 1
Ảnh có tính chất minh họa

Vong nhập vào trẻ con

Không phải chờ đến khi các trung tâm tìm mộ với chiêu “áp vong” người chết mọc lên như nấm thì người ta mới nói nhiều về việc vong nhập vào người mà những câu chuyện ấy đã tồn tại trong dân gian từ lâu nay. Chuyện những đứa trẻ “bị ma làm”, “bị hồn bắt mất vía” đã không còn xa lạ.

Ông Trần Văn Chung ở Hải Xuân, Hải Hậu, Nam Định nhiều năm trước được xã ủy quyền cho việc thu tiền điện. Ông Chung sinh hai đứa con đầu đều không may qua đời khi vừa tuổi lên 3. Một lần ông đi thu tiền điện của một hộ gia đình, thấy con chủ nhà dễ thương, ông có hỏi han mấy câu. Khi ông vừa rời khỏi cửa, đứa trẻ bắt đầu khóc cho đến tận nửa đêm vẫn không nín. Gia đình tá hỏa, ai cũng bảo do ông Chung có qua đây, đứa trẻ con ông Chung đã là ma nhập vào người ông Chung, khi gặp đứa trẻ con khác thì thích trêu đùa. Và nếu khi đã bị ma nhập thì chỉ có ông Chung mới làm cho đứa bé nín. Quả tình, chả biết thế nào, khi ông Chung đến và nói: “Hai đứa Dần, Mão lên lưng bố cõng về, đừng ở đây trêu cháu nữa”. Rồi ông làm động tác cõng đứa trẻ trên lưng mà đi về nhà. Lạ thay, khi ông Chung đi về thì đứa trẻ kia cũng nín, ngoan ngoãn ăn uống và đi ngủ. Chính người vợ ông Chung trong một lần lên thăm cháu ruột khi đầy tháng cũng đã khiến đứa trẻ đó quấy khóc và vợ chồng ông ở nhà đã phải đốt hương gọi con về. 

Trẻ em - theo quan niệm của nhiều người thường là nhẹ vía nên rất dễ bị vong nhập. Con gái chị Nguyễn Minh Thu ở phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vốn là một bé gái khỏe mạnh năm nay đã lên 5 tuổi. Trong một lần về quê, cháu đi chơi và gặp một bụi hoa mẫu đơn liền hái về nhà chơi. Sau đó thì mặt mũi cháu bỗng tái xanh và đến khoảng 9h tối bắt đầu khóc lóc, không chịu đi học. Ngay hôm sau, sự việc vẫn tiếp diễn. Sự việc xảy ra trong vòng 1 tuần và chị buộc phải cho con nghỉ học ở nhà, nhưng ở nhà bé không ăn không uống và thỉnh thoảng ngồi lảm nhảm nói chuyện một mình. Chính bà ngoại cháu đã chứng kiến cháu ngồi nói chuyện một mình liền hỏi nói chuyện với ai thì bé nói là nói với bạn, nhưng đó là người mà bà không nhìn thấy. Chị Thu hỏi thì nhận được câu trả lời “bạn nhưng mẹ đến thì bạn ấy đi mất”, chị hỏi nói chuyện gì thì bé nói “bạn rủ con đi vào vòng xoáy”.  Lúc này mọi người  trong nhà mới nghĩ ra chỗ bụi mẫu đơn mà cháu hái hoa có một cháu bé trạc tuổi cô bé này bị tai nạn xe máy qua đời. Chị Thu rất hốt hoảng nhờ thầy bắt vong. Thầy cho con chị đeo bùa vào người, 1 ngày sau, cháu mới hồng hào trở lại, ăn uống bình thường và tiếp tục đi học như chưa có chuyện gì xảy ra.

Vong nhập cả vào người lớn

Không chỉ những em bé nhẹ vía mới bị cho là  vong nhập mà ngay kể cả những cô cậu học trò 17,18 tuổi cũng bị vong nhập. Vào khoảng tháng 10-2011, tại trường Nguyễn Văn Trỗi, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh người ta đã đồn ầm ĩ về chuyện “trường học có ma” khi thấy nữ sinh tự nhiên ngất xỉu, sau khi tỉnh dậy có hành động kỳ lạ khác bình thường. Theo lời kể của các học sinh, thì 2 nữ sinh  bị cho là vong nhập đã nói  ở phía dưới dãy nhà của lớp 12 có nhiều hài cốt chưa được bốc đi, họ đói rách, lạnh lẽo lắm. Rồi xin nhà trường lập bàn thờ, đốt hương vàng, áo vải cho. Các bạn của 2 nữ sinh này đã rất nhiều lần thấy 2 nữ sinh ngất đi, tỉnh lại tự xưng mình là người rất xa lạ, khi nói là đàn ông 51 tuổi, khi thì xưng là trẻ con. Gia đình các nữ sinh cũng cho con đi khám tại các bệnh viện song kết quả là không bệnh tật gì, sức khỏe tốt rồi cho thuốc an thần về uống. Chính thầy giáo Lê Thái Phi - Phó Hiệu trưởng nhà trường cũng cho rằng có hiện tượng như vậy và rất khác thường nhưng để giải thích thì thật khó nói cho thỏa đáng. 

Trước đó vào khoảng tháng 8-2011, cậu học trò Đỗ Văn Bình ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức vốn ngoan ngoãn, chăm học, vừa thi hai trường ĐH Công nghiệp và CĐ Y Hà Nội đang chờ kết quả bỗng trở nên thay đổi lạ thường. Bình không chịu ăn uống gì chỉ liên tục “nốc rượu”, hai mắt gằn lên những tia lửa đỏ rực, luôn miệng quát tháo những người trong nhà. Người làng rì rầm kháo nhau, ấy là nó bị “vong” nhập. Nhưng khác với hai nữ sinh ở Hà Tĩnh, Bình không tự nhiên bị nhập mà do “thầy” tác động để tìm mộ liệt sỹ. Nhưng việc tìm mộ không diễn ra như mong muốn của gia đình mà Bình thì mỗi lần “vong nhập” đều rất mệt mỏi vì quay cuồng đầu óc. 

Anh thanh niên Nguyễn Hữu Đ ở Thanh Miện, Hải Dương trong lần tìm đến Liên hiệp Khoa học ứng dụng lại cho rằng mình bị “ma chửa” nhập vào. Mặt mũi đỏ gay đỏ gắt, nói giọng con gái ẻo lả, cứ lúc khóc lúc cười khanh khách, cái bụng tự nhiên trương phình lên như người chửa 8 tháng (?!). Mỗi lần ma nhập, anh thanh niên này phải cởi ngay quần áo kẻo bụng phình lên đứt hết cúc và đau đớn không chịu nổi. Nhiều lần các nhà khoa học đã dùng máy móc hiện đại để chụp chiếu, siêu âm phần bụng đột nhiên trương phình của anh ta, song vẫn không phát hiện ra nguyên nhân do đâu. Khi “ma nhập”, các nhà khoa học và gia đình đưa anh ta đi viện, song cứ đến viện là bụng liền xẹp đi, cơ thể trở về trạng thái bình thường. Các bác sĩ cũng khám và siêu âm các kiểu, song không phát hiện anh Đ có bệnh gì, thần kinh cũng hoàn toàn bình thường. Khi các nhà khoa học sử dụng phương pháp dân gian là dùng roi dâu vụt vào cơ thể anh ta, thì tự nhiên “con ma” thoát ra ngoài, và cái bụng anh dần dần xẹp xuống (?!).

Vong nhập hay bệnh tâm thần?

Theo bác sĩ Trần Văn Cường, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương thì vong nhập, lên đồng... là một trạng thái tâm lý đặc biệt, một trạng thái bệnh lý xuất phát từ vô thức một nhóm bệnh nằm trong bảng phân loại về các loại bệnh tâm thần đã được tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào mục F44.3. Một người bị vong nhập tức là người đó không bình thường, có vấn đề về thần kinh hoặc tâm thần (nhẹ hoặc nặng).

Nguồn gốc của hiện tượng vong nhập là sự tương tác của ám thị lạ và tự ám thị. Khi một người đi áp vong, hoặc lên đồng thường ngồi tập trung như ngồi thiền để đầu óc trống rỗng. Trạng thái này đưa bộ não trở về vô thức. Trong trạng thái khởi đầu vô thức, người đó vẫn nhận biết xung quanh, tiếp nhận các ám thị lạ như về liệt sĩ, về đau thương, về chiến trận qua thầy pháp hoặc nhà ngoại cảm. Khi bộ não chìm vào vô thức các tác động từ bên ngoài sẽ là ám thị lạ  tạo ra sự tự ám thị. Trong trạng thái tự ám thị nhiều khi rất mạnh mẽ đặc biệt đối với những người có thế năng bệnh tâm thần cao, bộ não sẽ nhào nặn, xây dựng thành các kịch bản đặc biệt. 

Cái đáng sợ là hiện tượng vong nhập thường xảy ra ở những người yếu bóng vía hoặc vừa trải qua một cơn biến động tâm lý, ví dụ vừa ốm dậy, hoặc thường có tình trạng bất bình thường, tức là đã có dấu hiệu của bệnh tâm thần. Thế năng của bệnh đã đủ lớn nhưng do kiềm chế của bộ não bệnh chưa phát ra. Tuy nhiên nếu dự các buổi áp vong và bị vong nhập thì cuộc áp vong giống như giọt nước cuối cùng làm cho thế năng tâm thần được giải phóng và gây bệnh. Cùng câu hỏi này theo Thượng tọa Thích Quảng Tùng - Trụ trì chùa Hàng, tọa lạc ở số 121 phố Dư Hàng, phường Hồ Nam, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng, thì điều đó cũng có thể xảy ra. Bản thân Thượng tọa mỗi chiều chủ nhật hàng tuần cũng có tiếp xúc với một số người thì thấy rằng đúng là có những người có cách xử sự hơi khác người bình thường, la hét, nói lăng lảm nhảm nhưng không phải ai trong số họ cũng bị ma nhập. Trong số hàng trăm người tìm đến Chùa Hàng vì cho rằng Thượng tọa có thể bắt ma thì họa hoằn mới có người có thể bị vong nhập, còn như nhiều nghiên cứu khoa học đã cho thấy, người trần dù có tu hành đi chăng nữa mà nhìn thấy vong theo người khác cũng là người không bình thường, có dấu hiệu thần kinh. 

Trước tình trạng nhiều người quá tin vào chuyện vong, linh hồn nhập vào người đang xôn xao trong dư luận, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu, ban đầu họ cho rằng đây là hiện tượng của bệnh thần kinh  những áp lực về cuộc sống, tiềm thức khiến cho họ cần phải dùng thế lực siêu nhiên để giảm đi những áp lực ấy hay còn gọi là sự ''rối loạn đa nhân cách''. Tuy nhiên hiện tượng “ma nhập” vẫn còn là đề tài chưa có hồi kết, vẫn cần nhiều lời giải đáp.