Đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội sẽ vận hành trước đoạn trên cao vào năm 2020 như thế nào?

ANTD.VN - Thông tin từ Ban Dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội sẽ khai thác trước đoạn trên cao vào năm 2020. Tuy nhiên, nhiều thắc mắc, liệu phương án này có khả thi bởi để vận hành được tàu chạy cần rất nhiều yếu tố.

Chia hai giai đoạn vận hành để giảm thiệt hại

Đến thời điểm này, dù Ban Dự án đường sắt đô thị Hà Nội đã thông tin sẽ đưa vào khai thác đoạn trên cao, từ Nhổn đến Cầu Giấy vào năm 2020, song người dân vẫn bày tỏ sự nghi ngại, việc vận hành sẽ diễn ra như thế nào? Đáng nói, ga Cầu Giấy làm sao có thể thay thế chức năng một ga đầu-cuối.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội được khởi công từ tháng 9-2010, công trình dự kiến hoàn thành vào tháng 9-2017. Tuy nhiên, do nhiều khó khăn khách quan, đặc biệt trong khâu giải phóng mặt bằng (GPMB) các ga ngầm S9, 10, 11, 12, dự án đã phải 2 lần hoãn tiến độ; mốc cuối cùng dự kiến hoàn thành toàn tuyến là năm 2022.

Tàu đường sắt Nhổn-Ga Hà Nội sẽ lăn bánh trước đoạn trên cao vào năm 2020

Tuy nhiên, do nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn thành phố tăng mạnh, làm gia tăng tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực cửa ngõ phía Tây. Thực trạng này đã đòi hỏi cấp bách, tuyến đường sắt đô thị số 3 Nhổn-Ga Hà Nội phải sớm đưa vào vận hành.

Căn cứ vào tình hình thực hiện dự án cũng như những khó khăn mà dự án vướng mắc, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội đã yêu cầu Tư vấn Systra nghiên cứu phương án điều chỉnh thời gian thực hiện dự án theo hướng vận hành hai giai đoạn.

Cụ thể, sẽ đưa vào vận hành trước đoạn tuyến trên cao từ Nhổn đến ga S8 (Cầu Giấy) vào năm 2020; tiếp tục hoàn thiện và khai thác toàn tuyến với 4 ga ngầm còn lại vào năm 2022 như dự kiến.

Ga Cầu Giấy tạm đảm nhận chức năng ga cuối

Người dân bày tỏ sự hoài nghi, tuy nhiên, giới chuyên gia thì đánh giá xem đây là một quyết định đột phá, góp phần giảm thiểu thiệt hại do việc dự án chậm tiến độ gây ra.

Chuyên gia giao thông đô thị Nguyễn Đình Chiển cho rằng, đây là quyết định đúng đắn và có tính đột phá có thể giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực đến dự án. Hiện nay, đoạn tuyến trên cao với 8 ga đi nổi đã gần như hoàn thành, hoàn toàn có thể khai thác thương mại trước, giải quyết vấn đề giao thông cho khu vực. Bên cạnh đó, việc chờ đợi giải phóng mặc bằng, đặc biệt là thi công các ga ngầm sẽ mất vài năm. Nếu cả dự án phải chờ 4 ga ngầm thì sẽ tiếp tục chậm tiến độ, phát sinh thêm nhiều hệ lụy cho Hà Nội.

Giám đốc dự án, Tư vấn Systra ông Philippe Blancho cũng khẳng định, theo nghiên cứu, phương án vận hành trước đoạn trên cao sẽ mang lại nhiều lợi ích như: đẩy nhanh được tiến độ các gói thầu phục vụ thi công phần trên cao, giảm thời gian và chi phí phát sinh do nằm chờ đoạn đi ngầm; có nguồn thu do vận hành trước đoạn trên cao, ít nhất là 2 năm.

Đại diện Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, Ban và các đơn vị liên quan đang chuẩn bị tất cả các điều kiện kỹ thuật cần thiết nhằm đảm bảo tính khả thi, an toàn cho việc đưa vào vận hành trước đoạn tuyến trên cao của đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội.

Khu vực ga S8 được sử dụng như điểm đầu cuối sẽ cần có thay đổi ghi đơn trước ga thành ghi đôi để đảm bảo khả năng vận hành của đoạn trên cao trong trường hợp vận hành bình thường và khi gặp sự cố. Một bộ ghi chéo (chữ X) sẽ được lắp đặt thay cho ghi đơn bằng nguồn vốn dự phòng của Dự án gói thầu, nhằm phục vụ chạy tàu mà không làm phát sinh tổng mức đầu tư. Bộ ghi này vẫn sẽ được sử dụng chuyển đổi thành như ghi đảo chiều, phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn khi Dự án hoàn thành và vận hành toàn tuyến.

Hệ thống điện và tín hiệu được ngắt ngay sau ga S8 để đảm bảo vận hành đoạn trên cao và an toàn thi công cho đoạn ngầm. Hệ thống phần mềm điều khiển, kết nối tín hiệu sẽ được lập cho việc vận hành đoạn trên cao trước, sau đó, sẽ được cập nhật cho toàn tuyến khi vận hành toàn tuyến, các giao diện cho người dùng trên thiết bị sẽ không thể hiện các vị trí ga ngầm khi vận hành trước đoạn trên cao và sẽ được bổ sung khi vận hành toàn tuyến.

Theo xác nhận của tư vấn Systra việc cập nhật phần mềm khi chạy toàn tuyến là dễ dàng và nhanh chóng.

Lực lượng nhân sự của dự án cũng đã được chuẩn bị, đào tạo với đầy đủ các nội dung về: vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa và an toàn. Kế hoạch đào tạo sẽ thực hiện theo tiến độ của Dự án và hoàn thành trước khi chạy thử 1 tháng.

Cuối tháng 9 vừa qua, Ban cũng đã công bố công bố kết quả khảo sát, lấy ý kiến người dân về mẫu thiết kế tàu đường sắt đô thị tuyến số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. Dự kiến, cuối năm 2020, tối thiểu 7 đoàn tàu sẽ về đến Hà Nội để phục vụ vận hành, khai thác.

Nếu được thông qua, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội sẽ phối hợp với Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước xây dựng kế hoạch chi tiết, để tổ chức nghiệm thu kịp thời các hạng mục công trình theo từng giai đoạn, đảm bảo tiến độ hoàn thành chung của dự án; trong đó có việc hoàn thành đưa vào khai thác đoạn tuyến trên cao trước 31-12-2020.