Đường sá tốt, xe được chạy nhanh hơn

ANTĐ - Theo Dự thảo Thông tư của Bộ GTVT quy định về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới, xe chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ, tốc độ tối đa tham gia giao thông của xe cơ giới sẽ được tăng lên từ 10-20km/h so với hiện nay. Trong bối cảnh hạ tầng giao thông được nâng cấp tốt lên, thay đổi này đã nhận được sự đồng tình của giới vận tải.
Đường sá tốt, xe được chạy nhanh hơn ảnh 1

Các loại đường đều được tăng tốc độ

Bộ GTVT đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư nhằm thay thế Thông tư số 13/2009/TT-BGTVT ngày 17-7-2009 của Bộ trưởng Bộ GTVT. Dự thảo sẽ lấy ý kiến đến hết ngày 25-10. Trong đó, Dự thảo quy định tốc độ tối đa cho xe cơ giới trong khu dân cư, đô thị sẽ là 60km/h đối với đường đôi có dải phân cách giữa và đường một chiều có từ 2 làn xe trở lên; 50km/h đối với đường không có dải phân cách giữa và đường một chiều có 1 làn xe cơ giới. Quy định hiện hành là 40-50km/h tùy loại phương tiện.

Tương ứng với các loại đường trên, khi đi ngoài đô thị, ôtô đến 30 chỗ ngồi (trừ xe buýt), ôtô tải đến 3,5 tấn có thể được chạy với tốc độ tối đa lần lượt là 90km/h và 80 km/h. Ôtô trên 30 chỗ ngồi, ôtô trên 3,5 tấn có thể được chạy tối đa 80km/h và 70km/h; các loại xe buýt, đầu kéo sơ mi rơ moóc, xe chuyên dùng, môtô sẽ được chạy tối đa là 70km/h và 60km/h.

Trên cao tốc, người điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng phải tuân thủ tốc độ tối đa, tối thiểu ghi trên biển báo hiệu đường bộ nhưng không vượt quá tốc độ tối đa cho phép là 120km/h. Riêng ôtô trên 30 chỗ ngồi, xe buýt, xe tải có trọng tải trên 3,5 tấn, xe đầu kéo sơ mi rơ moóc, xe chuyên dùng, xe kéo rơ moóc, ôtô kéo xe khác không được phép chạy quá 100km/h kể cả trường hợp có biển hạn chế tốc độ có giá trị lớn hơn 100km/h.

Theo Bộ GTVT, sau 6 năm thực hiện Thông tư 13 đã nảy sinh một số bất cập. Đó là chưa quy định rõ ràng tốc độ tối đa cho phép đối với từng loại đường, đặc biệt là cao tốc, đường đôi có dải phân cách giữa, đường một chiều. Hiện đường sá đã được cải tạo, chất lượng mặt đường tốt hơn; phương tiện tham gia giao thông có tiêu chuẩn kỹ thuật cao, hệ thống an toàn, hệ thống phanh, điều khiển hiện đại hơn... nên cần điều chỉnh tốc độ phương tiện.

Không lo ngại TNGT

Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) cho hay: “Việc chia thành 2 nhóm tốc độ 40km/h và 50km/h trên đoạn đường trong khu vực đông dân cư như quy định cũ dẫn đến thao tác vượt xe nhiều trong điều kiện đường sá đông đúc, tiềm ẩn nguy cơ va chạm, TNGT, kìm hãm năng lực thông hành chung”. 

Liên quan đến lo ngại việc gia tăng tốc độ lưu thông tối đa cho xe máy, ôtô có thể làm gia tăng TNGT, ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế TNGT, ông Nguyễn Văn Huyện khẳng định, việc điều chỉnh tăng tốc độ trong dự thảo hoàn toàn theo thiết kế và sẽ không gây tăng TNGT. Tổng cục Đường bộ đã cập nhật, phân tích tất cả các vụ TNGT xảy ra, nhất là trên đường cao tốc thì phần lớn nguyên nhân không phải chạy quá tốc độ mà chủ yếu do các tình huống lái xe xử lý không đúng.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam bày tỏ, Dự thảo Thông tư này nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của giới vận tải, người lái xe. “Mỗi năm, chúng ta đã phải bỏ ra hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn tỷ đồng để đầu tư, nâng cấp đường sá, cầu cống. Chất lượng phương tiện cũng ngày một tốt lên; công tác đào tạo, sát hạch lái xe cũng được siết chặt thì không có lý do để kìm hãm vận tốc xe lưu thông, không khai thác hết tiềm năng, lợi thế của hạ tầng mang lại”, ông Nguyễn Văn Thanh nhận định.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Dự thảo Thông tư này của Bộ GTVT chỉ tăng tốc độ tối đa cho phương tiện trên những làn đường đủ tiêu chuẩn như đường có dải phân cách, tối đa 2 làn xe… Còn việc lo ngại làm gia tăng TNGT, theo ông Nguyễn Văn Thanh, dù có cơ sở nhưng không phải yếu tố quyết định. TNGT phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nguyên nhân đã được các cơ quan hữu quan phân tích. Trong khi đó, việc cho phép tăng tốc độ tối đa cho xe cơ giới sẽ giúp phương tiện lưu thông nhanh hơn. 

Thay đổi này nhận được sự hưởng ứng của giới lái xe. Anh Nguyễn Ngọc Lăng, lái xe hợp đồng cho một doanh nghiệp du lịch bày tỏ, việc nâng tốc độ tối đa cho xe cơ giới trong bối cảnh đường sá đã tốt hơn là hoàn toàn hợp lý. “Nhiều đoạn đường thưa vắng, nhưng đường tốt mà tốc độ tối đa cho phép chỉ 40-50km/h khiến phương tiện cứ bò ra đường. TNGT phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người lái xe, người tham gia giao thông”, anh Lăng cho biết.

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai khắc phục hằn lún trước 31-10

Tổng Công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho hay, các vị trí hằn lún vệt bánh xe trên tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai sẽ được khắc phục sửa chữa, hoàn thành trước ngày 31-10.

Tổng diện tích hằn lún vệt bánh xe hơn 90.000m2, nằm rải rác trên tuyến cao tốc tại 9 vị trí của gói thầu từ A2-A6. Hiện tại, các nhà thầu đã xử lý thảm bê tông nhựa xong tại 8 điểm. Theo lãnh đạo VEC, để đảm bảo chất lượng đối với những vị trí sửa chữa, VEC đã yêu cầu các nhà thầu điều chỉnh lại cấp phối bê tông nhựa, cấp phối đá dăm đồng thời bổ sung thêm phụ gia vào hỗn hợp bê tông nhựa để tăng cường độ và hạn chế hằn lún vệt bánh xe. Chi phí sửa chữa do nhà thầu tự chịu trách nhiệm vì tuyến đường vẫn trong thời gian bảo hành.