Đường ống nước sạch sông Đà: Vỡ 6 lần, chưa biết vì sao?

ANTĐ - Chiều 6-5, ông Hoàng Thế Trung, nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư đường ống nước sạch sông Đà cho biết, suốt 2 năm qua, dù đã phân tích, mổ xẻ rất nhiều nhưng tới nay, chủ đầu tư dự án (Tổng Công ty CP Vinaconex) vẫn không trả lời được câu hỏi vì sao đường ống liên tục bị vỡ.
Đường ống nước sạch sông Đà: Vỡ 6 lần, chưa biết vì sao? ảnh 1
Các sự cố vỡ ống liên tiếp xảy ra và người tiêu dùng luôn phải chịu thiệt thòi


- Có thông tin cho rằng, khi thi công, dự án đã không khảo sát kỹ khu vực nền đất yếu có đường ống nước đi qua dẫn tới hàng loạt sự cố sau này?

- Tất cả các khâu từ lập dự án, thiết kế, thi công dự án đều tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy định pháp luật. Tôi rất ngạc nhiên, không hiểu thông tin từ đâu nói chúng tôi không khảo sát khi làm dự án. Từ tài liệu có được trong quá trình triển khai dự án, chúng tôi đã xác định được những khu vực có nền đất yếu phải xử lý, gia cố, tổng cộng có 11 đoạn, với chiều dài khoảng 3.400m. Để thi công lắp đặt ống qua những đoạn có xử lý nền đất yếu, chúng tôi đã thuê các đơn vị tư vấn có thẩm quyền. Tóm lại, chúng tôi đã có giải pháp thi công, lắp đặt phù hợp.

- Vậy dự án có xử lý nền đất yếu hay không?

- Dự án đầu tư xây dựng đường ống nước sạch sông Đà không xử lý nền đất yếu, vì cùng thời điểm đó, dự án đường Láng – Hòa Lạc (Đại lộ Thăng Long hiện nay - PV) đang thi công và đã xử lý nền đất yếu rồi, nên không thể làm trùng lắp, sẽ lãng phí. 

- Đã có chuyên gia khuyến cáo không nên sử dụng loại ống đó vậy sao chủ dự án vẫn dùng?

- Ống thông thường có chiều dài 12m, nhưng chúng tôi dùng ống ngắn hơn, chỉ từ 2 - 6m để sử dụng độ lệch trục cho phép, làm theo đúng bản vẽ thi công. Về vật liệu ống, đến bây giờ, chúng tôi mới được nghe nói có những khuyến cáo, chứ trong quá trình thi công, chúng tôi không nhận được ý kiến bằng văn bản. Tới giờ, tôi vẫn cho rằng, loại ống và vật liệu ống đã sử dụng cho dự án là phù hợp. Việc lựa chọn, quyết định vật liệu ống cũng được thực hiện đúng quy trình.

- Tại sao trong 2 năm qua, đã xảy ra 6 lần vỡ đường ống mà vẫn chưa tìm ra nguyên nhân, thưa ông?

- Hiện nay, tôi không còn phụ trách đơn vị cấp nước nữa, nhưng tôi vẫn quan tâm và chúng tôi thường xuyên trao đổi trong quá trình vận hành dự án. Dự án đó có nhiều khâu, nhiều công đoạn. Mỗi người đã đưa ra suy nghĩ về nguyên nhân sự cố. Người cho rằng thi công có vấn đề, người nói sử dụng đường ống không đạt yêu cầu... Chúng tôi cũng đã nhiều lần họp bàn, phân tích, tranh luận về những ý kiến đó nhưng tới nay, với khả năng, trình độ hiểu biết của mình, chúng tôi chưa tìm được nguyên nhân có thể chấp nhận được.

- Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm khi các sự cố vỡ đường ống liên tiếp xảy ra? 

- Vừa qua, Bộ Xây dựng đã yêu cầu Cục Giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng và các cơ quan hữu quan khác vào cuộc đánh giá lại toàn bộ dự án và xác định nguyên nhân gây ra sự cố. Chúng tôi mong muốn, với khả năng, trình độ cao, các chuyên gia sẽ tìm ra được nguyên nhân. Từ chỗ thấy rõ được nguyên nhân mới có được biện pháp khắc phục và khi đó, sẽ biết sai sót ở khâu nào, do tổ chức, cá nhân nào. Từ đó, mới biết được trách nhiệm thuộc về ai và việc xử lý như thế nào sẽ thuộc cơ quan có thẩm quyền. Là người phụ trách thi công dự án, tôi rất buồn khi sự cố liên tiếp xảy ra. 

Khó tránh việc tiếp tục xảy ra sự cố

“Chúng tôi đã rất cố gắng bảo trì, bảo dưỡng nhưng cũng khó tránh khỏi sự cố. Chúng tôi luôn ý thức được việc mất nước do vỡ đường ống ảnh hưởng rất lớn đến người dân nên mỗi khi có sự cố, chúng tôi đã chủ động vào cuộc khắc phục sớm nhất. Công ty đã thành lập tổ phản ứng nhanh để khắc phục mỗi khi có sự cố. Trong những lần đầu tiên, việc khắc phục vỡ đường ống phải mất từ
72-75 giờ, nhưng tới lần gần đây nhất, thời gian xử lý rút xuống còn 11 giờ. Đây là sự cố không mong muốn, bất khả kháng nên công ty chỉ biết dồn tổng lực để nhanh chóng khắc phục, giảm thiệt hại tới mức thấp nhất đối với người dân”. Ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Công ty CP nước sạch Vinaconex