Đường dây nóng liên Triều được khôi phục từ sáng 4-10

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ngày 4-10, hai miền Triều Tiên đã khôi phục đường dây nóng đã bị cắt đứt từ đầu tháng 8, trong đó Bình Nhưỡng thúc giục Seoul đẩy mạnh nỗ lực cải thiện quan hệ song phương.
Đường dây nóng liên Triều là kênh liên lạc hữu ích khi quan hệ hai nước gặp khủng hoảng

Đường dây nóng liên Triều là kênh liên lạc hữu ích khi quan hệ hai nước gặp khủng hoảng

Tuần trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã bày tỏ sẵn sàng kích hoạt lại đường dây nóng mà nước này đã cắt để phản đối cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ, chỉ vài ngày khi đường dây được nối lại sau cả 1 năm.

Hãng thông tấn KCNA chính thức của Bình Nhưỡng cho biết, đường dây điện thoại được kết nối lại lúc 9h sáng 4-10. Phía Hàn Quốc xác nhận rằng, họ đã khởi động lại đường dây nóng quân sự và các đường dây khác do Bộ Thống nhất điều hành, ngoại trừ kênh hải quân được thiết lập trên mạng quốc tế dành cho các tàu buôn.

Nhưng chưa rõ liệu việc kết nối lại này có tạo điều kiện thuận lợi cho việc khôi phục đàm phán nhằm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ hay không.

KCNA kêu gọi Seoul hoàn thành “nhiệm vụ” hàn gắn các mối quan hệ căng thẳng xuyên biên giới: “Chính quyền Hàn Quốc nên nỗ lực tích cực để đưa quan hệ Bắc - Nam đi đúng hướng và giải quyết các nhiệm vụ quan trọng cần ưu tiên để mở ra triển vọng tươi sáng trong tương lai”.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết các đường dây nóng đã góp phần ngăn chặn các cuộc đụng độ bất ngờ và việc mở cửa trở lại hy vọng sẽ dẫn đến việc xoa dịu đáng kể căng thẳng quân sự.

Tại Washington, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này ủng hộ mạnh mẽ hợp tác liên Triều, gọi các đường dây liên lạc được nối lại là “một yếu tố quan trọng trong việc tạo ra một môi trường ổn định hơn trên Bán đảo Triều Tiên”.

Căng thẳng bùng lên kể từ khi các đường dây nóng bị cắt đứt, với việc Triều Tiên cảnh báo khủng hoảng an ninh và phóng thử một loạt tên lửa mới, bao gồm tên lửa siêu thanh, tên lửa phòng không và tên lửa hành trình “chiến lược” có khả năng hạt nhân.