Ngày thứ hai xét xử vụ án tham nhũng tại Vinalines:

Dương Chí Dũng và đàn em phủ nhận hành vi nhận tiền "lại quả"

ANTĐ - Đúng 8h sáng nay (13-12), HĐXX sơ thẩm vụ án hình sự "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản", xảy ra tại Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam bước sang ngày thứ hai.

Phủ nhận việc nhận tiền "lại quả"

HĐXX tiếp tục phần thẩm vấn, xét hỏi các bị cáo bị truy tố phạm vào tội "Tham ô tài sản". Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, 4 bị cáo này đã làm sai các quy định quản lý về kinh tế của Nhà nước, gửi giá khi mua ụ nổi Dock No83M sản xuất 1965 thông qua Công ty AP - Singapore để tư lợi 1,666 triệu USD chia nhau. Nhưng đáng nói, cũng như ngày xét hỏi hôm qua, Dương Chí Dũng luôn phủ nhận vai trò của mình về việc chỉ nghe, biết nhưng không can thiệp việc cấp dưới thực hiện DA xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam và DA ăn theo là mua ụ bổi Dock No 83M để tư lợi chia nhau chiếm đoạt số tiền hàng chục tỷ đồng của nhà nước.

Dương Chí Dũng phủ nhận việc nhận 10 tỷ đồng tiền lại quả sau khi mua ụ nổi 83M


Theo cáo trạng, bị cáo Trần Hải Sơn (nguyên Tổng giám đốc công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines) được xác định là người đứng ra nhận tiền "lại quả", sau đó đưa cho bị cáo Dương Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT Vinalines 10 tỷ đồng, bị cáo Mai Văn Phúc (nguyên Tổng giám đốc Vinalines 10 tỷ đồng), Trần Hữu Chiều (nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Hàng Hải Việt Nam) 340 triệu đồng và số còn lại bị cáo Sơn sử dụng chi tiêu cho cá nhân.

Khi bị thẩm vấn về hành vi tham ô, bị cáo Dũng đã kiên quyết phủ nhận không có việc nhận 10 tỷ đồng, cũng như việc chỉ đạo cấp dưới mua bán ụ nổi 83M để hưởng lợi. Còn theo cáo trạng số 16/VKSTC – V1B ngày 1-11-2013 của VKSND Tối cao truy tố 10 bị cáo trong vụ án này có một phần nội dung như sau: Từ tháng 8-2005 đến 29-12-2006, năm 2007, Dũng được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm kiêm giữ chức Chủ tịch HĐQT Vinalines nên khiến Dũng trở thành một người "thét ra lửa"...

Ngày 9-2-2006, Dương Chí Dũng ký văn bản số 116/CV-KHĐT, số 495/CV-KHĐT "Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) xem xét bổ sung Nhà máy sửa chữa, đóng mới tàu biển phía Nam vào quy hoạch các cơ sở công nghiệp đóng tàu thủy Việt Nam" và đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho Vinalines đầu tư nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam.

Trên cơ sở đề nghị của Vinalines, ngày 5-6-2006 và ngày 11-8-2006, Bộ GTVT có văn bản số 3160 và số 4828/BGTVT-KHĐT gửi Thủ tướng Chính phủ với nội dung "Chấp thuận về nguyên tắc cho Vinalines được đầu tư xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam. Sau khi được Thủ tướng chấp thuận chủ trương, Bộ GTVT sẽ cập nhật dự án (DA) này vào quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam".

Ngày 31-8-2006, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 4805/VPCP-CN thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ: "Đồng ý về mạt nguyên tắc cho phép Vinalines được triển khai lập báo cáo đầu tư xây dựng một Nhà máy sửa chữa tàu biển ở phía Nam...; Giao Bộ GTVT cập nhật DA trên vào quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định".

Mặc dù chưa được Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT phê duyệt cũng chưa bổ sung DA xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam vào quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tàu thủy, nhưng ngày 24-2-2006, HĐQT Vinalines vẫn ra Nghị quyết số 161/NQ-HĐQT và giao cho Tổng Công ty Vinalines triển khai đầu tư xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam.

Vì vậy, ngày 3-5-2007, Mai Văn Phúc ký Quyết định số 422/QĐ-TGĐ thành lập Ban quản lý DA do Trần Hữu Chiều làm Trưởng Ban, Trần Hải Sơn làm Phó trưởng ban, Bùi Thị Bích Loan, Mai Văn Khang và một số lãnh đạo các phòng ban làm thành viên. Trên cơ sở tờ trình của số 724/TTr-BQLDA ngày 13-6-2007 của Trần Hữu Chiều, hai ngày sau (15-6), Mai Văn Phúc ký tờ trình số 715/TTr-TGĐ đề nghị HĐQT Vinalines ra quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư DA, với tổng mức đầu tư 3.854 tỉ đồng.

Chỉ biết, chỉ nghe không can thiệp nhưng... vẫn ký!

Mặc dù biết việc đầu tư DA trên 1.000 tỉ đồng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, nhưng Dương Chí Dũng vẫn ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với tổng mức đầu tư 3.854 tỉ đồng, trong đó có một hạng mục lắp đặt ụ nổi có sức nâng 15.500 tấn đến 27.000 tấn.

Trong thời gian Vinalines triển khai thực hiện DA xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, từ đầu năm 2007 đến hết năm 2008, Vinalines tổ chức chào hàng cạnh tranh, lựa chọn nhà thầu cung cấp ụ nổi. Vinalines không có thư thông báo mời thầu, nhưng có hai công ty gửi thư chào bán ụ nổi gồm: Công ty AP - Singapore chào bán ụ nổi 220 sản xuất năm 1969 và ụ nổi Dock No 83M sản xuất năm 1965; Công ty môi giới Mega Marine LLC/USA chào bán ụ nổi 194M sản xuất năm 1988 tại Nam Tư.

Mai Văn Phúc luôn cho rằng lời khai của Trần Hải Sơn là không đúng và bất lợi cho bị cáo


Trong quá trình tổ chức khảo sát, Vinalines chỉ khảo sát và thương thuyết rồi quyết định ký hợp đồng, mua ụ nổi 83M với Công ty Addpower Ventures Private Limited - Singapore. Quá trình triển khai dự án. Dương Chí Dũng cùng một số cán bộ cấp dưới đã không thực hiện quy định của Nhà nước, gây thiệt hại cho Vinalines gần 367 tỉ đồng (tính đến ngày 17-5-2012). Trong số tiền thiệt hại này, Dũng, Phúc, Sơn, Chiều đã tham ô gần 1,7 triệu USD (tương đương hơn 28 tỉ đồng).

Trong quá trình chào hàng cạnh tranh, lựa chọn nhà thầu cung cấp ụ nổi, Vinalines không có thư thông báo mời thầu nhưng có 2 công ty gửi thư chào bán ụ nổi là Công ty AP – Singapore chào bán ụ nổi 220 sản xuất năm 1969 tại Thụy Điển và ụ nổi Dock No 83M và Công ty môi giới Mega Marine LLC/USA. Nhắm đến người quen trong phi vụ giao dịch triệu đô này, Vinalines chỉ tổ chức khảo sát ụ nổi 220 và 83M do Công ty AP chào bán. Qua kiểm tra, đoàn khảo sát đều biết chủ sở hữu ụ nổi 83M là Công ty Nakhodka (Nga), Công ty AP chỉ là nhà môi giới. Ụ nổi 83M được sản xuất năm 1965 tại Nhật Bản, bị hư hỏng nhiều, không còn hoạt động và đã bị Đăng kiểm Nga dừng phân cấp từ năm 2006. Công ty Nakhodka là chủ sở hữu đưa ra giá để đàm phán là dưới 5 triệu USD.

Sau cuộc khảo sát, Trần Hữu Chiều và Trần Hải Sơn trực tiếp đến gặp Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc để báo cáo các thông tin trên, nhưng Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc vẫn chỉ đạo: “Phải lập báo cáo kết quả khảo sát để đủ điều kiện mua được ụ nổi 83M qua Công ty AP- Singapore, không mua trực tiếp của Công ty Nokhodka”.

Từ chỉ đạo này, thông qua các thủ tục để hợp thức hóa việc mua bán, Dương Chí Dũng đã phê duyệt đầu tư mua ụ nổi 83M với tổng giá trị đầu tư là 19,5 triệu USD, trong đó giá trị mua ụ nổi 83M là 9 triệu USD qua Công ty AP- Singapore.

Diễn biến phiên tòa sáng nay sẽ được ANTĐ tiếp tục cập nhật...