Dương Chí Dũng rơi nước mắt trước vành móng ngựa, "bỏ trốn là sai lầm!"

ANTĐ - Nghe đồng nghiệp kêu oan, đổ lỗi cho nhau, Dương Chí Dũng đã rơi nước mắt. Những giọt nước mắt cho chuỗi sai lầm mà bị cáo đã thừa nhận trước HĐXX: "Vì quan liêu đã dẫn đến sai lầm... Việc bỏ trốn cũng là sai lầm khi tôi nghĩ rằng, thoát khỏi Việt Nam càng xa càng tốt...".

Sau khi dành thời gian nghỉ giải lao hơn 1h đồng hồ, đúng 13h 45 phút chiều nay (12-12), HĐXX tiếp tục phần xét hỏi đối với bị cáo Dương Chí Dũng. 

"Bỏ trốn là sai lầm và dở nhất" 

Nhằm làm rõ về hành vi của Dương Chí Dũng và các đồng phạm khác trong việc mua ụ nổi sản xuất từ năm 1965 và đã ngừng hoạt động vào năm 2006, cũng vẫn câu hỏi giống như sáng nay HĐXX hỏi Dương Chí Dũng, vì sao lại phải mua ụ nổi 83M này qua Công ty AP - Singapore mà không trực tiếp mua ở Nga rồi lai dắt về Việt Nam?

Bị cáo Dương Chí Dũng khai nhận, trong quá trình mua thiết bị này, Vinalines đã hai lần phải điều chỉnh tổng mức đầu tư. Lần thứ nhất là khi chi phí di chuyển ụ nổi phát sinh do không chọn phương án lai dắt về Việt Nam mà sử dụng phương pháp chở về bằng một phương tiện khác. Lần phát sinh này đã đưa mức chi phí lên con số 19,5 triệu USD.

 HĐXX đã xét hỏi các bị cáo bị truy tố phạm vào tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" 

Lý do khác nữa là tại sao không lai dắt thiết bị từ bên Nga về Việt Nam, vì không thể lai dắt trực tiếp do thời tiết xấu, mặt biển bị đóng băng ở nhiều điểm. Thêm nữa, qua vụ việc của Vinashin khi mua 2 ụ nổi lai dắt về Việt Nam trước đó đã bị chìm khiến HĐQT của Vinalines quyết định chọn phương án an toàn hơn nhưng cũng tốn kém hơn.

Chủ tọa phiên tòa tiếp tục bồi thêm câu hỏi, phải chăng Vinalines chọn phương án chở về bằng một phương tiện khác chứ không phải lai dắt do ụ nổi không còn khả năng hoạt động? Ông Dũng trả lời "Tôi không biết! Tôi hơi quan liêu khi không vào xem trực tiếp ụ nổi. Chính vì vậy mà trong quá trình sửa chữa, chi phí phát sinh thêm 7 triệu USD nữa".

"Ném lao thì phải theo lao” nên buộc HĐQT Vinalines khi đó đã quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư DA thành 26,5 triệu USD. “Khi đó, họp HĐQT tôi cũng chất vấn rất căng” - bị cáo Dũng khai.

Trả lời câu hỏi của Chủ tọa phiên tòa vì sao mua một ụ nổi được sản xuất từ năm 1965 (quá cũ) và đã ngừng hoạt động mà vẫn mua thì Dương Chí Dũng trả lời, "vì tất cả HĐQT của Vinalines khi đó đều cho rằng ụ nổi 83M chỉ là một thiết bị dùng trong quá trình sửa chữa tàu chứ không phải là một con tàu nên không để ý đến năm sản xuất theo quy định của Nhà nước. Tôi chân thành nói rằng, thực sự chúng tôi không nghĩ nói là tàu nên mới không quan tâm đến tuổi”.

Khi HĐXX hỏi bị cáo Dũng lý do tại sao bị cáo và các thành viên của HĐQT khi đó không quyết định đóng ụ mới mà lại mua ụ nổi cũ? Bị cáo Dũng trả lời khá rành mạch. Nếu đóng ụ mới thì chi phí sẽ gấp 4 lần ụ cũ và phải mất thời gian khoảng 2-3 năm. Trong khi đó, nếu mua ụ cũ rồi sửa mới thì có thể dùng được ngay và 3 năm sau sẽ cho lãi nên quyết định mua ụ nổi cũ. 

Thuộc cấp không nhận tội, Dương Chí Dũng rơi lệ 

Trong phiên xử chiều nay, lý giải trước câu hỏi của HĐXX về hành động vì sao Dũng phải bỏ trốn, Dương Chí Dũng cho hay, khi biết Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ sang CQĐT, sau lần bị Công an triệu tập hỏi về sự việc, bị cáo vẫn chưa biết bản thân bị khởi tố.

"Chiều tối 17-5-2012 nghe được thông tin đó, bị cáo hoảng quá nên bỏ trốn, chỉ nghĩ cố đi càng xa Việt Nam càng tốt. Tất cả rối bời, tôi không tự chủ được, cứ thế là đi thôi. Giờ bình tĩnh lại, tôi hiếu cái sai nọ nối cái sai kia. Tôi nghĩ chạy sang Campuchia rồi từ đó đi Mỹ nhưng vì Visa của tôi cơ quan quản lý nên khi mua vé từ Campuchia đi Mỹ, đến New York thì bị trả lại theo đúng chiều vé khứ hồi, cảnh sát Mỹ đã không cho nhập cảnh vì cho rằng tôi đã bị cơ quan điều tra của Việt Nam đang phát lệnh truy nã, buộc tôi phải trở lại Campuchia. Đến ngày 4-9-2012 thì bị bắt” - ông Dũng khai.

Cũng trong chiều nay,  HĐXX đã xét hỏi toàn bộ các bị cáo bị truy tố phạm vào tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Tuy nhiên, tại phiên tòa hôm nay cho thấy, đa số ác bị cáo vẫn quanh co chối tội, đổ lỗi cho thuộc cấp.

Người đứng đầu Vinalines một thời rơi nước mắt rất lâu khi ngồi trước vành móng ngựa


Bị cáo Mai Thanh Phúc khai có ký các tờ trình liên quan đến việc khảo sát, mua ụ nổi lên Chủ tịch HĐQT song hoàn toàn trên cơ sở các cơ quan tham mưu. “Khi trình lên đến tôi đã có hàng chục chữ ký, trong đó có của anh Triều, người trực tiếp chịu trách nhiệm về dự án”- bị cáo này nói.

Tuy nhiên, bị cáo này cũng nhận chưa nhìn thấy bộ hồ sơ đầy đủ của ụ nổi, chỉ căn cứ vào báo cáo của bị cáo Chiều. Đến khi bị bắt mới xác định được trách nhiệm của mình.

Ngược lại, bị cáo Trần Hữu Chiều cho biết, không có ai chỉ đạo việc phải mua ụ nổi No 83M. Song vị chủ tọa công bố lời khai của bị cáo này tại cơ quan điều tra: “Trước khi đi 1 tuần, Phúc chỉ đạo làm sao phải mua được ụ nổi này và mua qua AP . Tôi nói lại, ở Nga tình hình đang phức tạp, mua qua AP cho an toàn”.

Bị cáo Mai Văn Khang thì phủ nhận vai trò của mình, chỉ nhận là “phiên dịch” cho đoàn khảo sát. Tuy nhiên, bị cáo Trần Hải Sơn đã tố lại: “Anh Khang là phó ban quản lý dự án, tham gia đoàn với tính chất là khảo sát mảng kỹ thuật chứ không phải là phiên dịch viên”.

Bị cáo Trần Hải Sơn khai nhận, đã nhận được chỉ đạo của Dũng và Phúc là cố gắng mua được ụ nổi về Việt Nam. Song không chỉ đạo nhất định phải mua với giá nào và qua AP. Các bị cáo còn lại khai chỉ làm theo chỉ đạo cấp trên.

Đáng chú ý 3 bị cáo gồm: Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng (nguyên là lãnh đạo, cán bộ của Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa) tại phần xét hỏi diễn ra vào chiều nay đều xin được khai lại tại tòa vì cho rằng, lời khai trước cơ quan điều tra lúc đó do tâm lý không được ổn định nên không chính xác.

Đồng thời cả 3 bị cáo khẳng định, mọi hành vi của mình đều đúng quy định của pháp luật khi cho thông quan ụ nổi No. 83M. Đối với bị cáo Lê Ngọc Triện, trước vành móng ngựa, với dáng vẻ đáng thương, tội nghiệp đã khiến cho ông Dũng đã rơi nước mắt.