Đuối nước - nỗi đau không đáng có

ANTD.VN - Năm nào cũng thế, cứ hè đến là gia tăng những cái chết thương tâm do đuối nước khiến chúng ta không khỏi xót xa. 

Mới đây nhất, chiều 2-6, một vụ đuối nước nghiêm trọng đã xảy ra tại khu vực sông Bến Đồn, thuộc thôn Phú Mỹ (xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) khiến 4 ông cháu tử vong. Theo thông tin ban đầu, trong lúc xuống tắm cho bò, người ông gặp nạn, kêu cứu. Cả 3 cháu thấy vậy cùng nhảy xuống cứu ông, nhưng không may tất cả đều chết đuối.

Cũng trong chiều 2-6, một vụ đuối nước khác xảy ra tại Gia Lai khiến 4 trẻ tử vong. Trong lúc tắm ở khu vực hồ tưới cà phê tại xã Ia Sao, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, các em không may trượt chân vào chỗ nước sâu rồi kéo nhau cùng tử vong. Tất cả các em đều trong độ tuổi 9-11. Đáng nói, đây là vụ đuối nước khiến 4 trẻ em tử vong thứ hai tại huyện Ia Grai trong vòng 3 tháng qua.

Những vụ tai nạn thương tâm trên khiến chúng ta không khỏi xót xa và chắc chắn sẽ khiến những người lớn day dứt, ân hận bởi thiếu sự quan tâm dẫn đến tai nạn với con em mình. Đuối nước là những cái chết không đáng có, sinh mạng một đứa trẻ mất đi chỉ trong gang tấc vì sự bất cẩn, thiếu giám sát của người lớn. 

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, đuối nước đã cướp đi sinh mạng của khoảng 2.800 người Việt Nam mỗi năm, trong đó chủ yếu là trẻ nhỏ. Con số này cao nhất khu vực Đông Nam Á và gấp 8 lần so với các nước có thu nhập cao. Nguyên nhân chính của thực trạng đau lòng này là do địa hình nước ta với hệ thống sông, ngòi, ao, hồ dày đặc, trong khi kinh tế người dân còn khó khăn, lơ là để con cái chơi đùa, tắm sông tắm hồ mà không có sự giám sát của người lớn.

Chẳng phải ở đâu xa, ngay tại Hà Nội cũng thường xuyên bắt gặp cảnh tượng các em học sinh ngoại thành rủ nhau đi tắm sông, hồ. Khó trách các em vì ở độ tuổi ham vui, nhận thức chưa đầy đủ nên chưa thể lường trước được những hậu quả có thể xảy ra. Vì vậy, việc trang bị cho các em những kỹ năng sống cần thiết, tạo một môi trường sống an toàn và dành sự quan tâm đúng mức tới các em là việc mà chúng ta phải làm, cấp thiết hơn bao giờ hết.

 Năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về Chương trình phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ em, giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có mục tiêu 100% các tỉnh, thành phố phải triển khai chương trình dạy bơi an toàn thí điểm cho trẻ. Còn Hà Nội xác định, dù có thiếu bể bơi cũng phải phổ cập dạy bơi cho 100% học sinh toàn thành phố. Hy vọng bằng những nỗ lực của các cấp, ngành, các bậc phụ huynh, tình trạng xóa mù bơi ở trẻ em sẽ được đẩy mạnh, nhằm hạn chế những tai nạn thương tâm khi tiếp xúc với môi trường sông nước.

Thực tế cho thấy, tai nạn đuối nước vẫn diễn biến nghiêm trọng. Trong khi, phải nói rằng vai trò quan trọng nhất trong việc bảo vệ các em chính là gia đình. Có nhiều lý do, nhiều cái khó đã được đưa ra để giải thích cho sự thiếu quan tâm đến con trẻ, nhưng đừng để khi sự việc đau lòng xảy ra với chính con em mình, lúc đó mới bàng hoàng nói “giá như”.