Dùng vỏ cam xử lý ô nhiễm thủy ngân

ANTĐ - Nguồn tài nguyên thủy hải sản trên các hệ thống sông ngòi, đại dương đang bị ô nhiễm kim loại nặng, nhất là thủy ngân do sự phát triển công nghiệp toàn cầu, ảnh hưởng rất xấu tới sức khỏe con người, đặc biệt là hệ thần kinh và khả năng sinh sản… 
Dùng vỏ cam xử lý ô nhiễm thủy ngân ảnh 1

2 tác giả chính của công trình nghiên cứu Jusstin Chalker và Max Worthington

Chất thải thành vật liệu quý

Một giải pháp mới vừa được các nhà khoa học Australia đưa ra là sử dụng vật liệu tái chế được làm từ vỏ cam quýt để loại bỏ thủy ngân khỏi môi trường tự nhiên một cách hiệu quả và nhanh nhất. Vật liệu mới vừa được phát minh bởi các nhà khoa học thuộc Đại học Flinders (Australia) được làm từ các loại chất thải hữu cơ, các chất dễ tái tạo, tái chế nhưng có thể giúp loại bỏ thủy ngân khỏi đất và nước. Thành phần chính của nó là lưu huỳnh limonene polysulphide (một loại polymer được tạo ra từ lưu huỳnh và limonene), một chất tồn tại trong vỏ trái cây họ cam quýt. 

Các nhà khoa học cho biết, hàng năm, hàng triệu tấn tiền chất  dùng để chế tạo ra vật liệu loại bỏ thủy ngân nói trên đã bị bỏ phí mỗi năm. Trong khi đó, hàng nghìn nhà khoa học trên thế giới đã, đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp loại bỏ thủy ngân khỏi quá trình chế biến quặng yêu cầu phải có những thiết bị máy móc lớn và phức tạp hỗ trợ, nhưng hiệu quả vẫn không được như mong muốn và môi trường biển tiếp tục bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.

Trong khi tìm công dụng cho các sản phẩm phụ, bị loại bỏ trong quá trình xử lý chất thải của ngành công nghiệp khai thác, sản xuất dầu khí và chất thải của các loại trái cây có múi, các nhà khoa học Flinders đã phát hiện ra vật liệu mới này rất dễ liên kết với kim loại. Sau khi làm thí nghiệm với thủy ngân, họ ghi nhận nó đã loại bỏ được 50% hàm lượng kim loại nặng này trong nguồn nước bị ô nhiễm chỉ sau 1 lần xử lý. Kết quả khả quan này mở ra khả năng xử lý, đưa nồng độ thủy ngân trong nước ô nhiễm xuống tới mức thấp nhất trong tương lai gần, thậm chí có thế uống trực tiếp được.

Mở ra hy vọng cho môi trường biển

Một đặc điểm rất dễ nhận biết khi sử dụng sulfur-limonene polysulpide để hấp thụ thủy ngân là vật liệu này có thể tự thay đổi màu sắc khi tiếp xúc với thủy ngân. Với tính tạo màu khá mạnh, nó sẽ trở thành vật liệu phát hiện thủy ngân nhanh nhất ở bất cứ môi trường nào. 

Tiến sĩ Jusstin Chalker của Đại học Flinders nhấn mạnh: “Ngành khai thác dầu khí mỗi năm tạo ra hơn 70 triệu tấn lưu huỳnh. Trong khi đó, ngành chế biến các loại quả có múi, họ cam quýt thải ra hơn 70.000 tấn limonene. Vì vậy, vật liệu mới này không chỉ giải quyết tốt vấn đề ô nhiễm thủy ngân mà còn mang lại những lợi ích to lớn thông qua việc chuyển đổi chất thải hữu cơ thành những vật liệu hữu ích đối với đời sống con người”. 

Phát hiện trên của các nhà khoa học thuộc Đại học Flinders sẽ mang lại nhiều ý tưởng mới cho các nhà khoa học trẻ trên thế giới trong việc tìm giải pháp đối phó với nạn môi trường hiện nay. Hiện tại, các nhà khoa học đang tìm kiếm nguồn lực để tiến tới thương mại hóa sản phẩm công nghệ mới này. Họ hy vọng nó sẽ trở thành một vật liệu phổ biến giúp lọc các kim loại nặng như thủy ngân ra khỏi nguồn nước và đất trồng.

Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng muốn hợp tác và cần sự hỗ trợ từ các nhà chức trách, nhà quản lý môi trường trên toàn cầu để phát triển hệ thống sản xuất vật liệu này với quy mô lớn, nhằm loại bỏ thủy ngân trong các hệ thống sông ngòi, đại dương trên toàn cầu, thậm chí có thể thành lập một siêu tập đoàn để chuyên xử lý nguồn tài nguyên thiên nhiên bị ô nhiễm thủy ngân.