Đừng vì tục lệ mà lãng phí tiền của

ANTĐ - Sắp tới Rằm tháng bảy - lễ Vu lan, dân ta có tục lệ dịp này là con cháu dù làm ăn ở nơi xa cũng về đoàn tụ cùng ông bà, cha mẹ, con cháu đặt mâm cơm, hoa quả tươi làm lễ cúng tổ tiên và dâng thức ăn ngon cho cha mẹ, biếu quần áo mới, các đồ dùng cần thiết. Đó là đạo đức, chữ hiếu trong dân gian. Rằm tháng bảy còn là ngày lễ  “xá tội vong nhân”, thể hiện tấm lòng vị tha, độ lượng của nhân dân. Đó là việc thiện, nét đẹp văn hóa dân tộc cần được bảo tồn và phát huy.

Tuy nhiên, những năm gần đây, đời sống vật chất của nhân dân được cải thiện. Nhiều người đua nhau đốt vàng mã. Nhiều nhà đốt cả xe đạp, xe máy, ô tô, máy bay, TV, tủ lạnh... Chị Hằng,  phố Hoàng Hoa Thám cho biết, bố mẹ báo mộng về, dưới đó bố mẹ không có nhà ở, thế là chị bàn với chồng “gửi” ngay xuống một căn nhà đồ sộ 5 tầng đầy đủ tiện nghi, tốn kém vài chục triệu đồng. Phố Hàng Mã chuyên mua bán mặt hàng “âm phủ” năm nay cho ra mắt loại “hàng hiệu” nhập từ Trung Quốc về khá đắt, vẫn đông khách mua. Vào dịp Rằm tháng bảy, dọc hai bên phố cổ diễn ra cảnh đốt vàng mã rất hãi hùng. Nhà nào cũng chồng chất cả đống hàng mã cao ngất ngưởng để đốt. Có nhà đốt bằng lò… sắt, có nhà đốt trong chậu nhôm, có nhà đốt ngay xuống hè đường. Gió thổi tàn nhang, khói bay nghi ngút làm bẩn đường phố, không ít lần gây cháy nổ, hỏa hoạn đe dọa tính mạng, tài sản của nhân dân, nguyên nhân do đốt vàng mã cẩu thả, bừa bãi.

Hà Nội đang có phong trào thi đua xây dựng “Gia đình văn hóa”, trong đó có quy định nghiêm cấm việc lợi dụng cúng bái gây lãng phí, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của nhân dân. Đã có thống kê, ngày Rằm tháng bảy hàng năm, có tới 50.000 tấn vàng mã được đốt. Chỉ riêng Hà Nội, số tiền đốt vàng mã lên tới 400 tỷ đồng. Như vậy số người vi phạm rất nhiều. Song tỷ lệ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa của các phường trong nội đô Hà Nội đều đạt từ 90 đến 100%? Tín ngưỡng là quyền của mỗi người, nhưng không nên vì tục lệ mà lãng phí tiền của, có khi gây hỏa hoạn do đốt vàng mã bừa bãi.