Đừng tưởng là chuyện vặt

ANTD.VN - Khi chuẩn bị mở rộng không gian 26 tuyến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, có rất nhiều việc phải bàn kỹ, trong đó có một vấn đề tưởng là nhỏ, là đơn giản: bố trí hợp lý chỗ trông giữ xe cho người dân và du khách cũng phải tính toán tỉ mỉ.

Ấy vậy mà, Bệnh viện Bạch Mai lại vừa đưa ra thông báo dẹp bỏ bãi gửi xe trong khuôn viên bệnh viện để phục vụ cho việc cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng. Một thông báo ngắn gọn, không hề đả động gì tới mối lo ngại của hàng nghìn lượt người bệnh, người nhà mỗi ngày đến khám chữa bệnh tại đây khi không biết sẽ gửi xe ở đâu.

Trong khi các chuyên gia giao thông, các nhà khoa học và dư luận đang sôi nổi luận bàn về việc Hà Nội sẽ hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, có người ví von xe máy “nhanh như ô tô, thô sơ như xe đạp”, một phương tiện bất ly thân của hàng triệu người dân. Sở dĩ xe máy “bùng nổ” trong mấy năm gần đây là bởi sự lép vế, yếu thế của xe buýt và các phương tiện giao thông công cộng khác. Tuy nhiên, rất hiếm ý kiến nói tới giao thông tĩnh của Thủ đô mà chỉ xoáy vào giao thông động, như diện tích dành cho các phương tiện lưu thông, mật độ xe cộ... 

Trong khi đó, diện tích dành để trông giữ xe, nhất là các bãi gửi xe công cộng lại là một trong những vấn đề nan giải nhất. Bởi thế, khi xây dựng các chung cư, trung tâm thương mại, siêu thị, chủ đầu tư phải đặt lên hàng đầu “bài toán” dành đất, tầng hầm để xe. Khi triển khai đề án hạn chế xe cá nhân trong khu vực nội đô cũng phải lựa chọn các tuyến phố có đủ chỗ để trông giữ phương tiện.

Nói như vậy để thấy, quyết định mang tính hành chính của Bệnh viện Bạch Mai, dù với bất kỳ lý do nào cũng là “vô tình”, nếu không muốn nói là vô cảm, tắc trách trước nhu cầu hết sức bức thiết của người bệnh. Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của họ khi đến khám chữa bệnh thì mới có thể thấu hiểu, cảm thông phần nào. Trước cửa bệnh viện là đường tàu hỏa, sát ngay mặt đường giao thông nườm nượp xe cộ vốn là một điểm đen ùn tắc kinh niên khi vắng bóng CSGT, thử hỏi người bệnh sẽ gửi xe vào đâu? Hơn thế đây là đường một chiều, muốn gửi xe sang bên kia đường cũng rất bất tiện. Vả lại vỉa hè quanh đó luôn chật cứng với lượng xe gửi của các phòng khám tư nhân, các cửa hàng thuốc và nhiều loại kinh doanh khác. 

Thực trạng này cho thấy, việc không có nơi gửi, trông giữ xe, thực chất là đẩy người bệnh và người nhà của họ... ra đường, đồng nghĩa với việc “mang con bỏ chợ”. Nếu thực sự vì sự hài lòng của người bệnh, các bệnh viện, cơ sở y tế không chỉ tập trung giảm tải, nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn phải quan tâm cả những chuyện tưởng chừng nhỏ nhặt nhất.

Đương nhiên quỹ đất giao thông tĩnh của Hà Nội nói chung, của các bệnh viện nói riêng ngày càng “co hẹp”, người dân không dám mơ tới những bãi gửi xe rộng như... sân vận động ở Singapore, Malaysia. Song điều đó không có nghĩa là “bỏ mặc” người dân, người bệnh bơ vơ ngoài cổng, ngoài đường vô phương bấu víu. Liên quan tới hàng nghìn người dân ở một bệnh viện, rõ ràng không có chuyện gì là nhỏ, “vụn vặt” cả.