Đừng tự “đưa cổ vào tròng”

ANTĐ - Thời gian gần đây, những vụ “xiết” nhà từ khoản tiền vay nhỏ, được thế chấp những mảnh đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) có giá trị lớn đã khiến cho bao gia đình tan cửa nát nhà. Điều đáng nói, đa số bị hại lại bị chính những người thân của mình đưa vào tròng...

Ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Tiến (thôn Yên Nội, xã Liên Mạc) 

bị người lạ đến đòi trước sự ngỡ ngàng của khổ chủ và xóm giềng

“Nhặt” vài vụ điển hình

Do thiếu hiểu biết về pháp luật, lại đang cần một khoản tiền lo việc cho con, ông Phan Văn Bằng (SN 1958, trú tại thôn Hà Lâm, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội), cả tin đưa GCNQSDĐ của gia đình đang ở cho cô em họ là Phạm Thị Thúy (SN 1960, ở thôn Giao Tác, xã Liên Hà, huyện Đông Anh) để vay 60 triệu đồng. Cũng chỉ là người mối lái, Thúy “đá” vụ vay nợ này sang cho ông Nguyễn Xuân Khanh (SN 1958, trú tại thôn Ngọc Giang, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh). Để làm tin, Thúy bảo ông Bằng mang giấy tờ nhà đất đến Văn phòng công chứng (VPCC) số 5 TP Hà Nội, làm Hợp đồng ủy quyền (HĐUQ) cho ông Khanh được  đem GCNQSDĐ, thế chấp vay vốn ngân hàng.

Sau khi có HĐUQ, Khanh đã “liên kết” với Nguyễn Văn Minh (SN 1959, là Giám đốc Công ty CP May và TM Tôn Tuấn) thế chấp GCNQSDĐ vay 600 triệu đồng. Tuy nhiên quá hạn, không trả tiền cho ngân hàng, ông Minh đã bị ngân hàng khởi kiện ra tòa. Khi bị tòa gọi đến với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan thì ông Bằng mới hay biết mình bị lừa.

Dù sao, trường hợp của ông Bằng vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác. Nếu chỉ đơn thuần là tranh chấp dân sự, tòa giải quyết thì vẫn còn cơ hội “vạch” mặt kẻ gian, đòi lại nhà. Đằng này, nhiều trường hợp sau khi ủy quyền cho người khác khối tài sản lớn để vay một khoản tiền nhỏ đã bị “cướp” nhà một cách trắng trợn. Điển hình như vụ “xiết” nhà đang diễn ra tại gia đình ông Nguyễn Văn Tiến (SN 1953, ở thôn Yên Nội, xã Liên Mạc, huyện Từ Liêm) mà Báo ANTĐ đăng tải mới đây. 

Sự việc bắt nguồn vào cuối năm 2010, khi Nguyễn Văn Thành (SN 1982, con trai ông Tiến), mượn GCNQSDĐ của gia đình mang tên ông Nguyễn Văn Tiến để vay vốn làm ăn. Ngày 1-9-2010, Thành cùng người thân trong gia đình đến VPCC số 3 TP Hà Nội, lập HĐUQ công chứng quyền sử dụng mảnh đất trên cùng các giấy tờ liên quan cho Thành tiện sử dụng. Thành cùng vợ là Nguyễn Thị Hồng Tâm đưa con về nhà ngoại rồi “lặn” mất luôn. Sau đó, bà Nguyễn Thị Hà (SN 1965, trú tại phố Khương Trung, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân) đến nhà ông Tiến nói, vợ chồng anh Thành đã vỡ nợ, bỏ trốn. Mảnh đất này đã được Thành chuyển nhượng lại cho bà với giá 100 triệu đồng. Nếu ông Tiến muốn chuộc lại thì phải trả cho bà Hà 2,5 tỷ đồng.

Khi lòng tin bị đánh cắp!

Một điều tra viên CATP Hà Nội cho biết, thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội xảy ra khá nhiều vụ án liên quan đến những đối tượng được chủ nợ thuê đi xiết nợ cho thấy, những đối tượng hình sự là dân “anh, chị” tụ tập thành nhóm, tham gia bảo kê, dùng bạo lực để đòi nợ thuê. Những con nợ thường vay nợ trong cờ bạc, vay nợ “tín dụng đen”. Đặc biệt, nhiều vụ án thông qua HĐUQ về bất động sản, sau đó, đối tượng được ủy quyền đã sang tên, chuyển nhượng tài sản ngay cho người khác. Cũng từ đó nảy sinh hành vi vi phạm pháp luật như bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, thậm chí là cả giết người.

Theo thẩm phán Nguyễn Thị Lan Anh, nhiều vụ án hình sự được TAND các cấp đưa ra xét xử, xuất phát từ những tranh chấp dân sự nhưng không được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Điển hình là những vụ án thuê “đầu gấu” đến xiết nợ, chiếm nhà bắt giữ người trái phép. Trong đó, câu chuyện ủy quyền, thế chấp vay vốn theo kiểu “tín dụng đen” được xem là vấn đề nóng khi thời buổi kinh tế thị trường có nhiều biến động. Tuy nhiên qua đó, điều mà ta không thể không nghĩ tới, phải chăng đằng sau nó còn có sự liên kết, “bảo kê” nào đó để những đối tượng hình sự lộng hành như dư luận vẫn đặt ra?