“Đừng tự đào hố ngăn cách với người dân”

ANTĐ - Báo An ninh Thủ đô phỏng vấn Luật sư Lê Đức Tiết, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật - Mặt trận Tổ quốc  Việt Nam, người đã trực tiếp tham gia đoàn của MTTQ Việt Nam về thẩm tra vụ cưỡng chế thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng.

Luật sư Lê Đức Tiết (ngồi giữa) trò chuyện cùng người dân huyện Tiên Lãng

và dẫn đầu Đoàn giám sát của MTTQ Việt Nam tới thực địa đầm tôm,

cùng ngôi nhà bị san phẳng của gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Ảnh VNE

- Diễn biến mới nhất của vụ việc ở Tiên Lãng là một loạt cán bộ bị kiểm điểm, đình chỉ công tác, ông có bình luận gì về việc này?

- Luật sư Lê Đức Tiết, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Tôi hoan nghênh động thái đó của Thành ủy Hải Phòng. Dù chậm còn hơn không. Bước đầu, việc đình chỉ công tác và kiểm điểm những cán bộ đó đã ít nhiều làm yên lòng người dân. Có điều, các cán bộ đó sai như thế nào và công việc xử lý tiếp theo ra sao thì chưa nói rõ.

- Sau khi Thành ủy Hải Phòng đã có động thái ban đầu như trên, theo ông, hướng xử lý tiếp theo nên như thế nào?

- Theo tôi, Hải Phòng cần tự trả lời đầy đủ, rõ ràng 3 câu hỏi của Thủ tướng. Câu chuyện ở đây là cán bộ cấp dưới đã làm sai, vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật. Cưỡng chế như thế là sai quy trình, sai pháp luật rồi, phải thừa nhận ngay. TP Hải Phòng phải dũng cảm hơn nữa trong giai đoạn xử lý tiếp theo. Nếu ở cương vị những người đứng đầu địa phương, chắc giờ đã biết rõ đúng - sai, tôi sẽ không chờ đợi các cơ quan chức năng của Chính phủ mà tự mình đưa ra kết luận. Như thế mới rõ ràng trách nhiệm, không nên chờ đợi nữa.

- Từng trực tiếp kiểm tra ở hiện trường, ông có thể nói gì về nguyên nhân sâu xa của vụ việc?

- Khu đầm đó không phải trên trời rơi xuống. Đất đó là khai hoang lấn biển mà thành, khác hẳn với đất thổ cư. Nhà nước luôn khuyến khích người dân khai hoang nên không đặt hạn mức gì với loại đất này. Người dân bình thường cũng hiểu rõ điều đó mà chính quyền lại đặt vấn đề thu hồi không bồi thường thì sao đúng được.

- Cán bộ yếu kém trong quản lý, hiểu biết pháp luật hạn chế có phải là một trong những yếu tố chính dẫn tới hệ lụy xấu ngày hôm nay?

- Điều đó đã quá rõ ràng. Cán bộ cơ sở không hiểu rõ về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Hiểu biết về pháp luật cũng không tới nơi tới chốn. Tác phong làm việc lại quan liêu, thiếu tình người. Chưa nói tới sai pháp luật, sai quy trình, năm hết tết đến rồi còn cưỡng chế, dỡ nhà người ta như thế thì liệu có chấp nhận nổi không.

- Từ vụ việc này, chính quyền cơ sở cần rút ra bài học gì trong cách ứng xử với người dân, thưa ông?

- Nhân vụ việc ở Tiên Lãng, TP Hải Phòng nên đối chiếu lại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng khóa XI vừa qua để kiểm tra lại công tác Đảng, công tác chính quyền, mặt trận và cả các cơ quan tham mưu. Rất nhiều vấn đề cần được rút kinh nghiệm. Đảng, Nhà nước, chính quyền, nhân dân là một nhưng giờ một số nơi lại không làm cho dân yên, tạo hố ngăn cách như thế là trật hoàn toàn rồi.

- Phải chăng, gần dân thôi chưa đủ mà chính quyền phải nghĩ cho quyền lợi của dân, chăm lo cho đời sống của dân?

- Đúng như vậy. Không chỉ thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, cán bộ các cấp phải vạch ra giải pháp để quyết đáp ngay những nguyện vọng đó, đương nhiên, với yêu cầu đặt quyền lợi người dân lên cao nhất. Trường hợp pháp luật chưa quy định, anh có thể đề xuất lên cấp có thẩm quyền. Hệ thống pháp luật đất đai hiện nay còn nhiều vấn đề bất cập cần phải thảo luận. Nhưng yêu cầu trước mắt là chính quyền cứ làm đúng những gì pháp luật đã quy định là đã tốt cho người dân rồi, không được phép làm méo mó đi.

- Có ý kiến cho rằng, nên sửa đổi Luật Đất đai theo hướng kéo dài thời gian sử dụng đất để người nông dân yên tâm sản xuất, quan điểm của ông?

- Pháp luật cũng như chính sách của Đảng, Nhà nước đều nhất quán khuyến khích người dân khai hoang phục hóa, sử dụng đất đai có hiệu quả, vì ích nước lợi nhà. Hiến pháp đã nói rõ là người sử dụng đất có quyền sử dụng ổn định, lâu dài. Pháp luật về đất đai cũng quy định rõ đối với đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản phải giao 20 năm. Sau thời hạn này, nếu người dân có nhu cầu sử dụng thì được ưu tiên giao tiếp. Luật pháp cũng nêu rõ các trường hợp thu hồi đất. Người sử dụng không còn nhu cầu nữa hoặc người dân vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp thật cần thiết như phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh thì Nhà nước mới thu hồi. Dù thu hồi với lý do gì cũng phải trên cơ sở đảm bảo quyền ổn định, lâu dài của người dân chứ không phải thích thế nào thì làm thế ấy như kiểu ở Tiên Lãng. Thế nên, tôi mới nói là chính quyền cơ sở cứ thực hiện đúng, đủ pháp luật hiện hành đã là tốt lắm rồi chứ chưa nói tới phải chỉnh sửa gì.