Dùng thuốc an toàn khi mang thai

(ANTĐ) - “Tránh dùng cho phụ nữ mang thai”, đó là khuyến cáo thường gặp ở hướng dẫn sử dụng của rất nhiều loại thuốc. Điều đó cho thấy, việc dùng thuốc có những ảnh hưởng nhất định đến thai nhi. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng thế nào và xử lý ra sao nếu chẳng may dùng thuốc sai vẫn là điều ít người nắm vững.
Phải hỏi ý kiến bác sỹ khi uống thuốc trong bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ
Phải hỏi ý kiến bác sỹ khi uống thuốc trong bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ

Trong suốt thai kỳ, có một giai đoạn cực kỳ nhạy cảm, đó là từ sau khi tắt kinh nguyệt 33 ngày đến khi thai nhi được 12 tuần. Trước 33 ngày, trứng đã được thụ tinh bắt đầu phân tách tế bào, số lượng tế bào không ngừng tăng lên, tuy nhiên chưa định hướng để trở thành các bộ phận như đầu, chân, tay hay cơ quan nội tạng... Ở thời điểm này, tác động của thuốc đến thai nhi có thể là “hoàn toàn” hoặc “vô hại”, vì nếu có tác động, chắc chắn gây sảy thai; còn nếu không sao, thì thai nhi sẽ tiếp tục phát triển một cách bình thường, không để lại dị tật gì.

Tuy nhiên, khi đến giai đoạn “nhạy cảm” trên, các cơ quan nội tạng của thai nhi bắt đầu phân hóa rõ rệt thành tim, gan, thận... Thời điểm này, tác động của thuốc đến thai nhi rất lớn, ví dụ như tim, nếu bị ảnh hưởng sẽ có nguy cơ mắc các khuyết tật bẩm sinh về vách ngăn tâm nhĩ, tâm thất hay các chứng bệnh khác.

Sau 12 tuần, ảnh hưởng của thuốc đến thai nhi ít hơn, song lúc này hệ thống thần kinh phát triển mạnh mẽ và liên tục đến khi đứa bé ra đời, vì vậy vẫn sẽ có những nguy cơ nhất định nếu người mẹ dùng sai thuốc. Chính vì vậy, điều người mẹ cần chú ý trong suốt thai kỳ là: không dùng thuốc nếu có thể; phải chọn loại thuốc ít gây ảnh hưởng đến thai nhi và tránh hoàn toàn trong thời kỳ “nhạy cảm”.

Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ chia mức độ nguy hiểm của thuốc với thai nhi thành nhiều cấp khác nhau, gồm A, B, C, D và X. Mức A là an toàn nhất, như vitamin B1, B2, E, acid folic... Mức B tương đối an toàn, như hầu hết kháng sinh nhóm penicillin và cephalosporin (chưa có dấu hiệu lâm sàng cho thấy sẽ gây dị tật ở thai nhi, song vẫn chỉ nên dùng khi thật cần thiết). Mức C đã bắt đầu nguy hiểm, cần hết sức tránh, như aspirin hay thuốc chống tăng huyết áp amlodipine.

Mức D được xác định là gây tổn thương ở thai nhi, chỉ được nghiên cứu dùng trong trường hợp người mẹ mắc các bệnh nghiêm trọng, như phần lớn các loại thuốc chống ung thư. Mức X là nguy hiểm nhất, như ribavirin điều trị viêm gan siêu vi C, simvastatin làm giảm lipid máu...

Đối với thai phụ đã uống nhầm thuốc trong thời kỳ “nhạy cảm”, cần phải thực hiện triệt để việc tư vấn và chẩn đoán tiền sản. Các bước kiểm tra bao gồm: đo sau gáy để sàng lọc hội chứng Down và dị dạng tim ở thời kỳ đầu (11-13 tuần); siêu âm ở giữa thai kỳ để phát hiện bất thường về hình thái thai nhi và dị dạng ở cơ quan nội tạng (20-24 tuần); có thể chọc ối để xét nghiệm hoặc làm sinh thiết bánh nhau khi thai được 20 tuần.

Mặt khác, việc dùng thuốc không đúng cũng sẽ gây ra những triệu chứng dọa sảy thai. Trong trường hợp này, nếu hoàng thể thai kỳ không đầy đủ, có thể bổ sung progesterone để giúp thai nhi phát triển mạnh khỏe. Tuy nhiên, trong trường hợp thai nhi đã “có vấn đề”, chắc chắn các bác sỹ sẽ khuyên phá thai để có một đứa con khỏe mạnh trong lần mang thai sau.