Dừng thông quan, giám định container loa đài nghi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Kiểm tra container hàng nhập khẩu, toàn bộ là sản phẩm thiết bị âm thanh có dấu hiệu xâm phạm sở hữu trí tuệ, Hải quan Hải Phòng nhờ Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) giám định.

Ngày 30/11/2021, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Hải Phòng khu vực I phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu (Đội 4); Đội Kiểm soát hải quan đã tiến hành thủ tục kiểm tra, mở container hàng nhập khẩu thiết bị âm thanh để kiểm tra dấu hiệu vi phạm sở hữu bản quyền.

Lô thiết bị âm thanh nhập khẩu phục vụ Tết, hải quan trưng cầu giám định xâm phạm bản quyền
Lô thiết bị âm thanh nhập khẩu phục vụ Tết, hải quan trưng cầu giám định xâm phạm bản quyền

Trước đó, Hải quan Hải Phòng nhận được đơn đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan của Công ty Tân Việt do nghi vấn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với lô hàng nhập khẩu của Công ty cổ phần đầu tư AV Việt Nam.

Hàng hóa theo tờ khai gồm 20 mục, gồm loa, bộ loa thùng, bộ tạo vang xử lý tín hiệu âm thanh, bộ chia nguồn, micro không dây, khung giá treo loa các loại, hiệu CAF, tình trạng mới 100% xuất xứ từ Trung Quốc (theo tờ khai).

Kết thúc quá trình kiểm tra, Hải quan Hải Phòng đã lấy 19 bộ mẫu (gồm 37 sản phẩm) để thực hiện các nghiệp vụ. Phần hàng hóa còn lại được đóng trở lại container, kẹp chì niêm phong.

Ngày 10/12/2021, Chi cục hải quan cửa khẩu Cảng Hải Phòng khu vực 1 ra quyết định tiếp tục gia hạn thời gian tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với lô hàng, với lý do thực hiện trưng cầu giám định tại Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ).

Ngày 7/1/2022, Hải quan Hải Phòng có văn bản gửi Viện Khoa học sở hữu trí tuệ đề nghị phối hợp giám định lô hàng có hay không dấu hiệu hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như đơn tố giác của công ty Tân Việt.

Mới đây, ngày 10/1, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ đã có kết luận giám định theo văn bản đề nghị của Hải quan Hải Phòng. Theo đó, nhãn hiệu được bảo hộ và nhãn hiệu bị xem xét trùng nhau. Nhãn hiệu được bảo hộ bị xâm phạm bản quyền đã đăng ký sở hữu trí tuệ.

Việc xâm phạm bản quyền không chỉ gây thiệt hại về kinh tế đối với bên bị xâm hại mà còn là hành vi lừa dối người tiêu dùng. Vì thế, đại diện DN và các chuyên gia bảo vệ sở hữu trí tuệ cho rằng các đơn vị chức năng như: Cục Hải quan TP. Hải Phòng; Cục điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan); Văn phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia xử lý nghiêm hành vi xâm phạm bản quyền đã được bảo hộ, lừa dối khách hàng.