Đừng quá lệ thuộc vốn nước ngoài

ANTĐ -Mức độ phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào FDI hiện đang quá lớn: Vốn FDI hiện chiếm 22-25% tổng đầu tư toàn xã hội. “Một nền kinh tế phụ thuộc gần 30% vào vốn FDI là cực kỳ rủi ro.

Tiến sĩ Lê Quốc Phương - Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Vitic- Bộ Công Thương) cho rằng, một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc đã lựa chọn đi vay nợ để phát triển, thay vì tìm nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). “Tôi thấy họ đáng để học hỏi”- ông Lê Quốc Phương nói.

Theo ông Lê Quốc Phương, mức độ phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào FDI hiện đang quá lớn: Vốn FDI hiện chiếm 22-25% tổng đầu tư toàn xã hội. “Một nền kinh tế phụ thuộc gần 30% vào vốn FDI là cực kỳ rủi ro. Hiện nay, tỷ lệ này ở Trung Quốc chỉ từ 3-4%; Thái Lan 10%. Tỷ lệ này ở Singapore là 50%, nhưng họ quản lý hiệu quả vốn FDI”, ông Lê Quốc Phương đánh giá..

Đừng quá lệ thuộc vốn nước ngoài ảnh 1

Hàng triệu lao động Việt Nam đang làm việc trong các doanh nghiệp FDI

Về kim ngạch xuất khẩu, năm 2014, khối doanh nghiệp FDI xuất đi 105 tỷ USD trong tổng số 150 tỷ USD xuất khẩu của cả nước. Thành tích xuất siêu trong những năm gần đây cũng nhờ FDI. “Doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 60% sản xuất ngành công nghiệp. Thậm chí ở nhiều ngành, FDI chiếm tỷ lệ tuyệt đối. Chúng ta xuất siêu hay nhập siêu hoàn toàn phụ thuộc vào khối doanh nghiệp này. Lợi ích xuất khẩu họ được hưởng. Tôi thấy băn khoăn, lo ngại về mức độ phụ thuộc này”- ông Lê Quốc Phương chia sẻ.

Đại diện Vitic cũng cảnh báo xu hướng doanh nghiệp FDI chuyển từ liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài. Từ những số liệu phân tích nêu trên, ông Lê Quốc Phương khẳng định: “Họ có lợi ích riêng của họ và trong nhiều trường hợp, lợi ích ấy không đồng nhất với lợi ích của nền kinh tế Việt Nam. Một số nước dựa nhiều vào FDI, nhưng không ít nước không dựa vào nguồn vốn này. Nhật Bản, Hàn Quốc đáng để ta học tập. Hai nước này gần như không dựa vào FDI. Quan điểm của họ là đi vay nợ để phát triển. Tôi vay nợ, tôi làm, tôi trả”.

Ông Vũ Quốc Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ KH-ĐT) cho rằng, sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn rời rạc nên doanh nghiệp Việt Nam ít tham gia được vào chuỗi sản xuất của doanh nghiệp FDI. Ví dụ, đối với Honda, tỷ lệ nội địa hóa khoảng 40% nhưng chủ yếu do doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cung cấp. Với Canon, tỷ lệ nội địa hóa đạt đến 60% nhưng trong số này, chỉ có 10% doanh nghiệp Việt Nam cung cấp linh kiện. “Cần nâng cao vai trò trách  nhiệm của doanh nghiệp FDI, nhất là doanh nghiệp quy mô lớn để họ lựa chọn doanh nghiệp trong nước, đào tạo kỹ thuật đáp ứng tiêu chuẩn của họ. Từ đó hình thành liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI”- ông Vũ Quốc Huy khuyến nghị.

Tin cùng chuyên mục