"Đứng ngồi không yên" trước mùa tăng lương tối thiểu

ANTĐ - Hội đồng Tiền lương quốc gia đang chuẩn bị cho kỳ xét tăng lương tối thiểu vùng năm 2017. Trong khi, người lao động hào hứng mong chờ thì nhiều doanh nghiệp lại đứng trước nhiều mối lo giải bài toán chi phí để tăng lương.

"Đứng ngồi không yên" trước mùa tăng lương tối thiểu ảnh 1Chính sách tăng lương tối thiểu thường xuyên gây ra nhiều khó khăn với các ngành thâm dụng lao động như dệt may

“Điệp khúc” kêu khó

Để chuẩn bị cho các phiên thương lượng tăng lương tối thiểu vùng năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn yêu cầu các địa phương đánh giá, đôn đốc việc doanh nghiệp thực hiện lương tối thiểu vùng 2016. Đồng thời, tổ chức các cuộc gặp gỡ, tìm hiểu những tác động của việc tăng lương tối thiểu đến các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sử dụng đông lao động như may mặc, da giày, chế biến thủy sản.

Mới đây, tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về tình hình thực thi pháp luật lao động, doanh nghiệp đã chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc về chính sách lương tối thiểu vùng trong thực tế.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ, chính sách tăng lương tối thiểu thường xuyên đối với các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày khiến các doanh nghiệp này gặp không ít khó khăn. Chi phí nhân công tăng, dẫn tới giảm khả năng cạnh tranh, vì vậy giảm khả năng đầu tư chiều sâu tăng năng suất lao động để nâng cao thu nhập bền vững cho người lao động.

Hơn nữa, việc tăng liên tục khiến mức lương tối thiểu tiệm cận lương trung bình. Điều này sẽ triệt tiêu các hình thức động viên, khuyến khích người lao động làm việc do không còn cơ chế thương lượng.

Cùng nỗi lo về bài toán tiền lương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên Nguyễn Xuân Dương cho rằng việc xác định mức sống tối thiểu còn chưa hợp lý. Nếu so sánh với lương cơ sở, mức lương khởi điểm của cử nhân, kỹ sư vừa tốt nghiệp cũng chỉ khoảng 2,8 triệu đồng/tháng (2,34 x 1,210 triệu đồng), trong khi đó người lao động vùng 1 đang được nhận mức lương tối thiểu là 3,5 triệu đồng/tháng. 

Xem xét đến yếu tố cạnh tranh quốc gia

Trong bối cảnh quá trình hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới đang diễn ra mạnh mẽ, thì việc hoàn thiện thể chế, trong đó có cơ chế, chính sách tiền lương cần đặt ra và thực hiện đồng bộ. Tăng lương tối thiểu luôn là vấn đề lớn không chỉ đối với Việt Nam mà với tất cả các nước trong khu vực, vì nó gắn liền với năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đặc biệt, khi lương tăng đòi hỏi năng suất lao động cũng phải tăng tương xứng. Ngoài việc đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động còn cần có những chính sách quan tâm đặc biệt đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động để tăng năng suất lao động. 

Trao đổi về kế hoạch tăng lương tối thiểu năm 2017, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, theo pháp luật lao động hiện hành, lương tối thiểu được xác định dựa trên các yếu tố: nhu cầu, điều kiện kinh tế xã hội và tiền công trên thị trường. Theo đó, các phân tích của doanh nghiệp đều có yếu tố hợp lý.

Hiện nay, so với các nước trong khu vực thì năng suất lao động của Việt Nam còn hạn chế, nếu chi phí cho người lao động quá lớn thì doanh nghiệp sẽ không còn khả năng để đổi mới công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học để tăng năng suất.

Tuy nhiên, đây mới là quan điểm của người sử dụng lao động. Chủ trương tăng lương tối thiểu của Hội đồng Tiền lương quốc gia hướng tới yếu tố cân bằng về lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động, đảm bảo cả việc nâng dần mức sống của người lao động và khả năng phát triển của doanh nghiệp.

Nhìn lại tốc độ tăng lương tối thiểu thời gian vừa qua, ông Phạm Minh Huân cho rằng tốc độ tăng khá lớn. Để chuẩn bị cho mùa tăng lương tối thiểu vùng năm 2017, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ xem xét đến khả năng phát triển của doanh nghiệp, mối tương quan khu vực và yếu tố cạnh tranh quốc gia.

Tin cùng chuyên mục