Dùng ngân sách để xử lý nợ xấu là cách duy nhất?

ANTD.VN - Sử dụng ngân sách để xử lý một phần nợ xấu là phương án được nêu ra tại Dự thảo Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng. 

Dùng ngân sách để xử lý nợ xấu là cách duy nhất? ảnh 1

Tốc độ xử lý nợ xấu chậm khiến lượng "tồn kho" còn rất lớn

Phương án này được đưa ra trong bối cảnh nợ xấu “tồn kho” tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) còn rất lớn, tốc độ xử lý chậm. Tuy nhiên, câu chuyện này lại đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía các chuyên gia.

Với nhiều nỗ lực từ phía Ngân hàng Nhà nước cũng như hệ thống các ngân hàng thương mại, công tác xử lý nợ xấu đã đạt những kết quả nhất định. Mặc dù vậy, vẫn còn hơn 200.000 tỷ đồng nợ xấu “tồn kho”  sau khi được VAMC mua về. 

Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016 cho biết, VAMC đã mua 241.000 tỷ đồng nợ xấu, khối lượng này không biến động nhiều so với thời điểm cuối năm 2015. 

Theo các chuyên gia, nguyên nhân lớn nhất khiến nợ xấu nằm im trong kho là do VAMC mua nợ với giá sổ sách, chứ không phải giá thị trường và trả nợ bằng trái phiếu nên việc mua bán không thực sự mang lại thanh khoản. Với chủ trương không sử dụng ngân sách để xử lý nợ, việc mà VAMC làm được là gom nợ về một chỗ và xử lý một phần. 

Các chuyên gia cho rằng, việc dùng ngân sách để xử lý nợ xấu không phải là câu chuyện mới. Có ý kiến cho rằng, tiền ngân sách là tiền của người dân đóng góp, trong khi các khoản nợ xấu là của các chủ doanh nghiệp, nếu lấy ngân sách để xử lý sẽ không khác nào việc bắt người dân trả những khoản mà họ không nợ. 

Tuy nhiên, kinh nghiệm từ một số nước trên thế giới cũng cho thấy dùng tiền ngân sách là giải pháp giúp xử lý nợ hiệu quả. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng, để xử lý nợ xấu đang tồn kho với số lượng lớn thì việc dùng ngân sách là cách duy nhất. Tuy nhiên, phải đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch. 

Chuyên gia này cho rằng, trước khi tiến hành xử lý cần phân loại các đối tượng một cách rõ ràng. Bên cạnh đó, Chính phủ cần ban hành các quy định luật pháp phù hợp cho thị trường mua bán nợ, cũng như cho việc chuyển nhượng, thanh lý tài sản bảo đảm...