Dùng ngân sách để cứu trái phiếu: Có thể xem xét nhưng không dễ thực hiện

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiều chuyên gia kiến nghị có thể sử dụng gần 1 triệu tỷ đồng vốn đầu tư công đang nằm tại hệ thống ngân hàng để “giải cứu” trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thực hiện sẽ không phải dễ dàng.

Không dễ thực hiện

Theo đề xuất của TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, hiện có gần 1 triệu tỷ đồng đầu tư công do phát hành trái phiếu Chính phủ đang nằm tại hệ thống ngân hàng và có thể sử dụng nguồn tiền này để “giải cứu” doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Việc thực hiện có thể thông qua việc gửi một phần (khoảng 300 nghìn đồng) vào 4 ngân hàng quốc doanh lớn và cho phép cho vay ngắn hạn; trích một phần (khoảng 500 nghìn tỷ) thành lập quỹ bảo lãnh hoặc quỹ bình ổn trái phiếu doanh nghiệp (để mua lại trái phiếu, bảo lãnh, tái bảo lãnh trái phiếu)…

Đồng quan điểm, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) Nguyễn Quốc Hùng cũng đề xuất sử dụng số vốn đầu tư công này để giải cứu doanh nghiệp.

“Hiện có gần 1 triệu tỷ đồng (tương đương với tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay) đang gửi tại ngân hàng mà không tiêu được. Để vậy có thể coi là lãng phí không trong khi các ngân hàng huy động vốn lãi suất cao?", ông Hùng đặt vấn đề

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc thành lập lập quỹ bình ổn trái phiếu trong giai đoạn hiện nay cũng giống như việc thành lập VAMC để xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng trong giai đoạn trước đó. Tức là xử lý dần dần trước mắt, thu dọn nợ xấu sang một bên để dòng tiền vận hành bình thường trở lại.

Đánh giá các đề xuất này rất đáng xem xét, song TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) lại cho rằng nó không dễ thực hiện.

“Đầu tư công thuộc về tài khóa, dù chưa chi được, nhưng phải gắn với kế hoạch chi tiêu đầu tư công thời gian tới. Nếu chúng ta nhìn con số 200 - 300 nghìn tỷ đồng thì có đóng góp rất tích cực, nhưng so với nhu cầu hiện nay (cả tín dụng hiện tại và tín dụng cấp mới) thì không phải là quá lớn”, vị chuyên gia nói.

Một số chuyên gia đề nghị dùng ngân sách đầu tư công để "giải cứu" trái phiếu

Một số chuyên gia đề nghị dùng ngân sách đầu tư công để "giải cứu" trái phiếu

TS Võ Trí Thành đặt ra hai vấn đề khó khăn hiện nay:

Thứ nhất, Quốc hội liệu có cho phép sử dụng tiền ngân sách để “cứu” trái phiếu hay không.

Thứ hai, từ bài học xử lý nợ xấu giai đoạn vừa qua (cho dù Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu), song đến nay nợ xấu vẫn chưa thể xử lý xong, cho thấy ý tưởng này có thể sẽ gặp khó khăn nhất định nếu triển khai.

“Khi đó, không cẩn thận, nền kinh tế thoát được điểm nghẽn này lại rơi vào điểm nghẽn khác, làm quá trình cải cách, tái cơ cấu hệ thống tài chính càng thêm khó khăn” – TS Võ Trí Thành bày tỏ lo ngại.

Phải gỡ điểm nghẽn trái phiếu

Đồng quan điểm, ông Trần Minh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chứng khoán Smart Invest (AAS) cho rằng tắc nghẽn hiện nay là ở chỗ doanh nghiệp không tiếp cận được vốn chứ không nằm ở giữa các ngân hàng thương mại với nhau.

Chính vì vậy nếu có sử dụng dòng tiền từ vốn đầu tư công chưa giải phân thì NHTM cũng không có cơ chế để giải ngân ra. Vì room tín dụng chỉ có ngần đó, và chúng ta cũng chưa tiêu xong 2% còn lại của room tín dụng.

Lấy ví dụ là gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ gần như chưa giải ngân được, ông Tuấn cho rằng có rất nhiều lý do, vẫn xuất phát từ room tín dụng và xuất phát từ vướng mắc trong thực tế triển khai là điều kiện cho vay.

Vị chuyên gia này cho rằng chúng ta phải nhìn nhận rất thực tế rằng chúng ta khó khăn trong việc tiếp cận vốn là do khó khăn từ thị trường trái phiếu bị tê liệt với hơn 900.000 tỷ của các tổ chức phi tài chính đã phát hành.

Do đó, để gỡ nghẽn được thì chúng ta cần gỡ nghẽn cho thị trường trái phiếu. Chúng ta nên tập trung vào việc tăng thanh khoản của thị trường này, không nên tạo ra những quy định siết thanh khoản của thị trường trái phiếu.

Chúng ta nên hướng đến việc tạo ra sân chơi thu hút được nhiều người chơi hơn đồng thời quy định để các hàng hóa được chất lượng hơn.

“Đúng là khi nhà đầu tư mua thì phải tự chịu trách nhiệm nhưng các quy định có liên quan đến tổ chức phát hành để phát hành hàng hoá ra thị trường nên chặt chẽ hơn để có những hàng hoá thực sự chất lượng” – ông nói.

Ở khía cạnh khác, TS Võ Trí Thành cho rằng khó khăn của Việt Nam có thể không hoàn toàn tương đồng với thế giới chúng ta có thể tham khảo thế giới.

“Vừa qua Trung Quốc đã có chương trình giải cứu bất động sản gồm 16 điều, tôi thấy tinh thần có 3 điểm cơ bản: Một là nới ít nhiều điều kiện cho vay đối với bất động sản, hai là nới ít nhiều tín dụng cấp cho người đi mua nhà ở, ba là tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu quay lại vận hành. Chương trình này khá cụ thể, tôi nghĩ là Việt Nam có thể nhìn vào” – vị chuyên gia kiến nghị.