Thế giới một tuần nhìn lại

Dung nạp và bền bỉ

(ANTĐ) - Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon được tín nhiệm tái cử thêm một nhiệm kỳ nữa; dầu mỏ và nông phẩm cùng giảm giá; Hội thảo về Biển Đông ở Hoa Kỳ. 3 vấn đề nổi bật, nhưng hàm chứa những cảm nhận chung về sự dung nạp và bền bỉ.
Liên Hợp Quốc - tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh, đã bầu ông BanKi-moon vào chức Tổng Thư ký và bầu ông Nassir Abdulaziz  Al-Nasser làm Chủ tịch của Đại hội đồng khóa 66. Sự tín nhiệm của thế giới để tái cử chức Tổng Thư ký nhiệm kỳ thứ hai bắt đầu từ ngày 1-1-2012, cho thấy khả năng lãnh đạo của ông Ban Ki-moon trong môi trường quốc tế phức tạp và khó khăn. Cũng chính ông Ban Ki-moon là người đã kêu gọi một cách trung thực và bền bỉ việc tôn trọng các quyền con người, pháp quyền và các giá trị khác nằm trong khuôn khổ Hiến chương của Liên hợp quốc. Vị Tổng thư ký Liên hợp quốc tại vị 2 nhiệm kỳ nhấn mạnh rằng, các nhà lãnh đạo thế giới cần phải phối hợp hành động hơn nữa để bảo vệ người dân cũng như góp phần xây dựng hòa bình tại nhiều nước châu Phi, Tây Nam Á, Trung Đông. Có thể thấy rõ, Liên hợp quốc hiện đang ở tuyến đầu trên nhiều mặt trận chống xung đột hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong quá khứ. Bởi vậy chăng mà sự bền bỉ và dung nạp trong một thế giới biến động như vậy quả là bí quyết của nhà lãnh đạo tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh. Từ những điểm nóng thế giới, có lẽ tin đáng chú ý nhất tuần qua là tuyên bố của Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ rút 10.000 binh sỹ nước này khỏi Afghanistan vào cuối năm nay và rút tổng cộng 33.000 quân vào mùa hè năm 2012. Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan được dư luận hoan nghênh, song tương lai và hòa bình ở Tây Nam Á vẫn chưa hết những nóng bỏng.
 Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, người có mặt ở nhiều điểm nóng trên thế giới
 Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, người có mặt ở nhiều điểm nóng trên thế giới
Đối với hàng tỷ người trên hành tinh này thì tin vui nhất tuần phải là xu hướng nông phẩm và dầu mỏ giảm giá. Ngày 23-6, Bộ trưởng Nông nghiệp các nước G20 đã đạt được một thỏa thuận được xem là lịch sử về kế hoạch hành động chống lại tình trạng nông phẩm tăng giá và nhất trí thiết lập cơ chế phản ứng nhanh, mở đường để G20 trong tương lai có thể phản ứng tập thể khi xảy ra biến động bất lợi về mùa màng hoặc giá lương thực. Trong khi đó, giá dầu tuần này giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 tháng qua. Quyết định rút dầu dự trữ khẩn cấp, khoảng 60 triệu thùng, từ kho dự trữ chiến lược của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã khiến giá dầu mỏ giảm mạnh. Nhưng để giá dầu và nông phẩm hạ nhiệt và ổn định thực sự còn cần tính bền bỉ và dung nạp không chỉ một quốc gia. Nhiều học giả đã tham gia Hội thảo về Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ tổ chức tuần qua tại Washington (Hoa Kỳ) với  các phiên thảo luận đánh giá tính hiệu quả của các cơ chế an ninh trên biển hiện có tại Biển Đông và đề xuất chính sách nhằm tăng cường an ninh khu vực. Xu hướng tiến bộ chủ đạo được ghi nhận là giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng các cơ chế đa phương, thông qua luật pháp quốc tế và thương lượng hòa bình. Nhưng muốn vậy, các bên có liên quan trong tranh chấp phải trải qua sự bền bỉ trong thương lượng hòa bình và dung nạp đầy đủ luật pháp quốc tế. Sự bền bỉ ở đây đòi hỏi các bên liên quan kiên trì trong thời gian dài với những thảo luận khó khăn và trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng, không làm phức tạp thêm tình hình.