Dùng “mác” doanh nghiệp Nhà nước lừa hàng chục tỷ đồng

ANTĐ - Mất việc do đơn vị giải thể, song Hằng vẫn “khua môi múa mép” về các mối quan hệ của bản thân. Tin lời đường mật, hàng chục người đã không ngần ngại dốc hết hầu bao, để rồi phải nhận về sự cay đắng… 
Dùng “mác” doanh nghiệp Nhà nước lừa hàng chục tỷ đồng ảnh 1
Với số tiền chiếm đoạt lớn, Trần Thị Thu Hằng nhận án chung thân

Không đồng tình với bản án sơ thẩm xử phạt Trần Thị Thu Hằng (SN 1968, trú ở phố Văn Cao, phường Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội) tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, sáng 6-10, hàng chục bị hại dưới tay siêu lừa này lại  tới TAND Tối cao với mong muốn được làm rõ hàng chục tỷ đồng đã đi đâu về đâu. Thế nhưng, thêm một lần nữa, các bị hại phải lặng lẽ ra về.

Trước đó, Bản án sơ thẩm số 07/2014/HS-ST ngày 9-1-2014 của TAND TP Hà Nội xác định, Trần Thị Thu Hằng vốn giữ chức Trưởng phòng Kế toán - tài chính của Xí nghiệp Địa chất và xây dựng -Công ty Khoáng chất công nghiệp và cơ khí mỏ, thuộc Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam. Tuy nhiên, tháng 8-2003, xí nghiệp của Hằng bị Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam ra quyết định giải thể. Và kể từ ngày 31-10-2004, Hằng chính thức  thành lao động dôi dư. Mặc dù không còn công ăn việc làm, nhưng Hằng vẫn rêu rao với mọi người mình đang đảm nhiệm cương vị rất quan trọng trong một doanh nghiệp Nhà nước và có mối quan hệ thân thiết như chị em với nữ Giám đốc Công ty CP Xăng dầu Thụy Dương, cũng như có người chú ruột “làm to” ở Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương. Ra vẻ “bí mật”, Hằng to nhỏ với nhiều người là xí nghiệp của ả cùng 2 đơn vị trên đang cần vốn để “rót” vào một số công trình, dự án và nếu “bơm” tiền vào đó sẽ được hưởng lãi suất cao hơn rất nhiều so với để tiền ở ngân hàng. Cụ thể, Hằng ấn định đối với tiền VNĐ, sẽ được hưởng lãi từ 1,5% - 3%/tháng; còn với USD, sẽ nhận về từ 400.000 đồng - 500.000 đồng/1.000USD/tháng. 

Tin lời Hằng, từ năm 2005 đến tháng 12-2011, bà Trần Thị D (trú ở phường Cống Vị, quận Ba Đình) đã 29 lần  đưa cho “siêu lừa” tổng cộng 128.900USD, tương đương hơn 2,3 tỷ đồng. Quá trình nhận tiền, Hằng đều dùng phiếu thu của cơ quan bị giải thể để giao dịch với lý do nộp tiền vào công trình cầu cảng. Để bà D yên tâm và  giao nhiều tiền hơn, Hằng luôn trả lãi suất đầy đủ, đúng hạn. Tính đến thời điểm bị đối tượng “chạy làng”, bà D mới nhận được tổng cộng gần 830 triệu đồng tiền lãi, còn tiền gốc thì “mất tăm”. Oái oăm hơn, ông Phạm Quang H (chồng bà D) khi biết vợ vẫn đều đặn có được khoản tiền lãi hàng tháng do đầu tư vào công trình của doanh nghiệp Nhà nước nên cũng hồ hởi bảo Hằng cho “góp vốn”.

Và từ tháng 6-2010 đến tháng 12-2011, ông H cũng đã đưa cho siêu lừa tổng cộng 71.000USD. Nhưng đến thời điểm hiện nay, ông H chỉ nhận được hơn 370 triệu đồng tiền lãi hàng tháng, còn tiền gốc bằng USD thì “một đi không trở lại”.

Với thủ đoạn này, Hằng đã lừa đảo chiếm đoạt tổng cộng hơn 25 tỷ đồng của 26 bị hại. Trong quá trình dẫn dụ “góp vốn”, đối tượng mới trả được hơn 2 tỷ đồng và còn chiếm đoạt hơn 23 tỷ đồng của hàng chục bị hại. Về hàng chục tỷ đồng chiếm đoạt, bị cáo khai đã dùng vào việc buôn bán mỹ phẩm và bị thua lỗ hết nên không còn khả năng khắc phục hậu quả... Về phía bị hại, tất cả đều cho rằng bị cáo đã cất giấu tài sản chiếm đoạt. Thế nên, ngay sau phiên tòa sơ thẩm, tất cả 26 bị hại đều đồng loạt có đơn kháng cáo đề nghị TAND Tối cao tại Hà Nội tuyên hủy bản án của tòa cấp dưới để điều tra làm rõ khoản tiền khổng lồ kia đang nằm ở đâu. Vậy nhưng, xét thấy bị cáo không còn tài sản và yêu cầu của các bị hại là không có cơ sở để xem xét nên sau 1 ngày mở tòa, HĐXX phúc thẩm TAND Tối cao đã quyết định bác đơn kháng cáo của hàng chục nạn nhân vụ lừa đảo trên.