Đừng lóa mắt vì mối lợi

ANTĐ - Mỗi du khách nước ngoài đến Hà Nội khi ra về đều có một ấn tượng riêng. Bên cạnh hình ảnh một Hà Nội cổ kính, thanh bình, sôi động, đầy sức sống thì cũng có những hình ảnh không đẹp, nhất là tình trạng taxi “lừa”, chặt chém khách xảy ra thời gian gần đây. Phóng viên Báo ANTĐ đã có dịp trò chuyện ông Brian Chappell - một du khách người Mỹ về vấn đề này.

- PV: Những ngày gần đây chắc ông đã đọc nhiều thông tin về “taxi lừa” xảy ra tại Hà Nội. Là một du khách, ông có sợ mình sẽ rơi vào tình cảnh tương tự? 

- Ông Brian Chappell: Tôi đã đọc rất nhiều thông tin về “taxi lừa” tại Hà Nội trước khi sang Việt Nam và những ngày gần đây xảy ra sự việc với nhóm khách du lịch người Pháp và cặp vợ chồng du khách người Úc... Hầu hết du khách nước ngoài đến Việt Nam, nhất là đến từ châu Âu, Mỹ, thường bỏ qua dù biết là bị lừa vì ngại va chạm và nhiều khi cũng không biết phải khiếu nại, tố cáo bằng cách nào khi vừa chân ướt chân ráo đến một đất nước xa lạ. Theo kinh nghiệm của tôi là du khách nên kiên quyết bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, không thể cho qua. Để tránh rơi vào “bẫy” của những lái xe taxi bất thường, tôi đã tra trên mạng và hỏi nhân viên khách sạn nơi mình ở một số hãng taxi có uy tín, ghi luôn số điện thoại và cách nhận biết vào sổ tay, kiên quyết không đi các hãng khác.

- Mặc dù những rắc rối xảy ra chỉ là số ít nhưng hẳn sẽ làm nhiều du khách phiền lòng?

- Với tôi Hà Nội tinh tế với nghệ thuật ẩm thực, Hà Nội là một Thủ đô cổ kính, quyến rũ đồng thời cũng là một thành phố tiến bước theo nhịp điệu của thời đại bừng bừng sức sống. Nét văn hoá của thành phố đã để lại ấn tượng hết sức sâu sắc trong tôi. Tuy nhiên, tôi nghe rất nhiều lời phàn nàn về taxi ở Hà Nội, nào là bị tính giá cắt cổ, đồng hồ tính cước trên taxi “nhảy” bất thường... Ngoài ra, nhiều du khách còn bị lái xe taxi đưa đi lòng vòng qua nhiều con phố rồi mới quay lại điểm cần đến…

Khách nước ngoài bị “chặt chém”, bị phân biệt đối xử, kém thân thiện chắc chắn họ sẽ kể cho người thân và bạn bè. Đó là chưa nói đến việc họ sẽ đưa thông tin lên các trang mạng xã hội, gây ảnh hưởng xấu tới chủ trương quảng bá hình ảnh, mời gọi khách quốc tế đến Hà Nội. Theo tôi, những lái xe đó biết rõ họ đang làm điều xấu nên nếu bị khách nước ngoài đặt vấn đề hoặc báo công an, họ sẽ sợ mà không dám tiếp tục làm liều. 

- Nhiều khách du lịch đặt dấu hỏi liệu có sự thông đồng giữa khách sạn và lái xe taxi trong sự việc xảy ra với nhóm du khách người Pháp, ông đánh giá như thế nào về sự nghi ngờ này?

- Theo tôi bất kỳ một khách sạn nào muốn xây dựng thương hiệu, tạo lòng tin cho du khách sẽ không làm một việc dại dột và mang tính chụp giật như vậy. Hơn nữa, điều mà họ mong muốn chính là mỗi du khách sẽ là người quảng cáo cho chất lượng sản phẩm dịch vụ cho khách sạn, họ sẽ không vì cái lợi nhỏ mà làm mất đi lợi ích lâu dài. Đây có lẽ là mánh khoé làm ăn giữa nhân viên khách sạn và lái xe taxi để hưởng lợi. Do vậy, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, doanh nghiệp vận tải… nên giáo dục cho nhân viên mình cách làm việc chuyên nghiệp, ứng xử có văn hoá, đừng vì lợi ích nhỏ mà hạ thấp giá trị bản thân và mất đi hình ảnh của doanh nghiệp. 

- Theo ông giải pháp nào để xây dựng một hình ảnh đẹp về Hà Nội như vốn có?

- Qua sự việc vừa rồi, lực lượng Công an Việt Nam đã xử lý rất nhanh và chuyên nghiệp, đòi lại công bằng cho du khách. Điều này khiến tôi rất ấn tượng và tin tưởng hình ảnh du lịch của Thủ đô sẽ được cải thiện trong thời gian tới. Để xây dựng cách ứng xử phù hợp với du khách nước ngoài cần có sự góp sức và vào cuộc của các cơ quan chức năng. 

Ngoài ra, để quản lý điều hành du lịch một cách tốt nhất, Việt Nam nên thành lập “Cảnh sát du lịch” hay “Quân nhân du lịch”. Những lực lượng này sẽ được đào tạo đầy đủ chuyên môn về du lịch, di động luân chuyển giữa các địa điểm du lịch. Có như vậy mới tránh được các tiêu cực trong quản lý du lịch. Ngoài ra, tại các điểm du lịch cần bố trí các tấm bảng ghi hộp thư điện tử, số điện thoại nóng của cơ quan hữu trách, của lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch của địa phương để du khách có thể phản ánh khi cần. Nếu quản lý điều hành tốt thì chắc chắn tỷ lệ khách du lịch nước ngoài đã đến Việt Nam sẽ còn quay lại, thậm chí giới thiệu với bạn bè họ. Đây là một kênh quảng bá vô cùng hiệu quả và bền vững.

- Xin cảm ơn ông!