Đừng lẫn lộn!

ANTĐ - Ngay sau đêm chung kết chương trình truyền hình thực tế Giọng hát Việt (The Voive Việt Nam) với sự đăng quang của ca sĩ trẻ Thảo My, dư luận mạng đã sôi lên với những ý kiến phản đối và cả những ý kiến đồng tình. Nhiều ý kiến soi vào toàn bộ chiều dài chương trình để chỉ ra những dấu hiệu của sự dàn xếp kết quả, có người còn chỉ thẳng lượng fan của ca sĩ tai tiếng Đàm Vĩnh Hưng như là yếu tố đảm bảo thắng lợi của Thảo My chứ không phải là tài năng. Nếu không có quyền lực và số lượng fan lớn của Đàm Vĩnh Hưng, Thảo My không thể dễ dàng chiến thắng.

Có nhiều tình huống xảy ra khiến khán giả càng tin vào “sự sắp xếp kết quả” cho đêm chung kết: Tổng đài tin nhắn không phản hồi khi khán giả nhắn tin bình chọn cho các thí sinh khác ngoài Thảo My. Và thêm nữa, người sát cánh, hậu thuẫn, hỗ trợ cho Thảo My không chỉ có HLV Đàm Vĩnh Hưng mà còn có Vũ Thu Phương, là dì ruột của cô, và nhạc sĩ Phương Uyên - người đã từng nổi tiếng trong mùa The Voice 1 với việc dàn xếp kết quả. Và cuối cùng, như là giọt nước tràn ly, một tin đồn đã lan trên các mạng xã hội: Với tất cả sự bê bối của mình, với sự chán ghét của khán giả, và hy vọng The Voive Việt Nam sẽ tắt sóng từ năm tới.

Dĩ nhiên ai cũng biết, một chương trình mà các nhà tổ chức đã bỏ nhiều triệu USD để mua bản quyền, đã kiếm được nhiều hơn thế nhiều lần lợi nhuận, không thể dừng đơn giản như vậy. Tuy nhiên để lý giải tin đồn cũng như phản ứng của cộng đồng mạng, chúng ta sẽ thấy nhiều điều, cả những khoảng sáng của các chương trình giải trí và cả khoảng tối của sự kỳ vọng không đáng có về mặt nghệ thuật của khán giả đối với các chương trình giải trí này. 

Hơn một năm về trước dư luận đã xôn xao khi phiên bản The Voive nổi tiếng thế giới chính thức đến mảnh đất hình chữ S . The Voice tại Việt Nam, ngay cả khi chưa phát sóng, đã quá thành công khi mang lại cảm giác tích cực cho khán giả. Tuy vậy, cũng như nhiều chương trình thực tế khác, vì tính tương tác được đặt lên hàng đầu nên Giọng hát Việt dễ phát sinh những vấn đề gây tranh cãi. Những scandal dàn xếp kết quả liên tiếp nổ ra, tính cạnh tranh giữa chuyên môn và giải trí không ngừng được nhắc tới, những “hạt sạn” trong khâu tổ chức vẫn bị khán giả chú ý… 

Tất cả đều tuân theo luật bất  thành văn mà khán giả nào cũng phải nằm lòng: đã là gameshow giải trí thì phải thị phi và gây tranh cãi. Tiết lộ hậu trường sau show diễn, dằn mặt nhau trên sóng truyền hình, bằng mặt không bằng lòng thời hậu cuộc thi… là những điểm làm cho khán giả mỗi ngày một xa chương trình giải trí này.

Qua những nhận định trên chúng ta thấy rõ một mâu thuẫn, đúng hơn là một sự lẫn lộn. Chưa bao giờ, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, người ta coi The Voive là một cuộc thi ca nhạc nghiêm túc. Nó chỉ là một chương trình giải trí, một gameshow. Nhưng xem xét những phản ứng của dư luận, thậm chí cả những nhận xét cay cú của các huấn luyện viên, chúng ta lại thấy mọi người đều mong muốn tìm được những tài năng nghệ thuật trong các chương trình này. Có mâu thuẫn không, có lẫn lộn không? Một cuộc thi giọng hát thực sự là Sao mai Điểm hẹn với các ca sĩ tài năng cống hiến hết sức cho nghệ thuật nhưng không có khán giả bởi khán giả cứ mong tìm các giá trị giải trí ở đó, còn trong một cuộc chơi giải trí thì mọi người lại mong đợi các giá trị nghệ thuật. 

Đánh giá đúng sẽ không thất vọng. Dư luận mạng sẽ bớt đau khổ, bớt hờn dỗi và bớt cả tin đồn.