Chính điện Kính Thiên Hoàng thành Thăng Long:

Dựng lại hình dung trên nền phế tích

ANTĐ - Sau rất nhiều năm ấp ủ và nghiên cứu, ngày 9-3 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã chính thức phê duyệt “Đề án nghiên cứu phương án khôi phục không gian điện Kính Thiên”. Đây là động thái tích cực nhằm hướng đến việc dựng lại ngôi điện được xem như linh hồn của Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.

Dựng lại hình dung trên nền phế tích ảnh 1Hình ảnh còn lại của nền điện cũ cho đến hôm nay

Chung tay “giải toán”

Tháng 8-2012, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long lần đầu tiên trình UBND TP Hà Nội chương trình “Nghiên cứu hoàn trả không gian điện Kính Thiên của Cấm Thành và Hoàng thành Thăng Long”. Mục đích mà chương trình nhắm tới là phục dựng điện Kính Thiên. Khi đó, ý tưởng này nhận được sự đồng thuận cao của các nhà nghiên cứu, song triển khai như thế nào mới chính là “bài toán” cần các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực cùng giải đáp. 

Theo những thông tin  Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội đưa ra thì trong giai đoạn đầu tiên, đề án tập trung sưu tầm, khảo cứu tư liệu, khảo sát, học tập kinh nghiệm, thực hiện công tác khai quật khảo cổ; đưa ra định hướng nghiên cứu toàn diện và chi tiết không gian điện Kính Thiên một cách khoa học, xác thực thông qua các bản vẽ phong cách học, mô hình khôi phục 2D, 3D, mô hình thực tế theo công nghệ, vật liệu thích hợp và truyền thống. Nghiên cứu này cũng chỉ ra giải pháp làm tăng giá trị kết quả nghiên cứu bằng du lịch văn hóa, tạo tiền đề, cơ sở khoa học để các cơ quan có thẩm quyền quyết định khôi phục Chính điện Kính Thiên và không gian điện Kính Thiên trong tương lai.

Dựng lại hình dung trên nền phế tích ảnh 2Thành Hà Nội chỉ còn lại dấu tích là đôi rồng đá

Lộ trình không giới hạn

Việc phục dựng này sẽ có vô vàn khó khăn, ông Trần Việt Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Thăng Long - chủ đầu tư dự án trả lời đầy thận trọng. Đó là bởi, việc nghiên cứu được tiến hành trên nền Di sản văn hóa Thế giới. Mọi động thái đều được        UNESCO theo dõi chặt chẽ. Ngoài ra, cần nghiên cứu, so sánh, đối chiếu giữa hình ảnh đang được lưu giữ tại các bảo tàng trên toàn thế giới, hồ sơ tư liệu trong nước và kết quả khai quật khảo cổ học. Nếu may mắn, khi khai quật, “mở hố” ra mà nền móng điện cũ còn nguyên vẹn thì cứ thế mà đo, vẽ… Nhưng nếu phế tích còn lại không nhiều thì phải so sánh với các dữ liệu kiến trúc cùng thời, công trình kiến trúc cổ cùng khu vực.

Dự kiến thời gian tiến hành dự án trong khoảng 4 năm, chia 3 giai đoạn: thực hiện tổng quan; nghiên cứu cấu trúc cơ bản; nghiên cứu chi tiết. Cũng theo ông Trần Việt Anh, kinh phí sẽ được lấy từ nguồn xã hội hóa. Trong quá trình xây dựng đề xuất phương án, nhiều ý kiến đóng góp đã được đưa ra, ví như nếu phục dựng lại công năng sử dụng, điện Kính Thiên sẽ là gì, liệu có trở thành một công trình tín ngưỡng; căn cứ vào nguồn tài liệu nào đã đảm bảo tính chính xác và gắn kết quảng bá thế nào về một không gian di sản văn hóa du lịch. Chủ đầu tư, Ban Quản lý di sản văn hóa Thăng Long cho biết, không thể trả lời hết những câu hỏi trên tại thời điểm này. Chỉ khi nào việc khôi phục được chính thức tiến hành hay nói đúng hơn là “hoàn tất nghiên cứu phương án khôi phục” mới có thể đưa ra những đề xuất đủ căn cứ khoa học và khả thi.

Với tinh thần cầu thị, đại diện đơn vị tư vấn thiết kế là Liên danh Công ty TNHH MTV MQL và các đối tác chia sẻ thêm, đây là sẽ một công trình nghiên cứu mở, nhận ý kiến phản hồi đa chiều của người dân. Cụ thể, sẽ thường xuyên tổ chức các cuộc triển lãm ý tưởng, hình ảnh 2D, 3D, minh họa bối cảnh kinh thành, Hoàng thành qua các triều đại. Cụ thể hơn nữa, sẽ có các cuộc thảo luận nhóm (workshop) để mọi người đều có thể chung sức góp ý phục dựng Chính điện Kính Thiên. 

Phạm vi không gian điện Kính Thiên gồm các bộ phận kiến trúc chính là Đoan Môn, sân Đan Trì, Chính điện Kính Thiên, tường hành cung, Hậu Lâu và các công trình phụ trợ khác, trong đó quan trọng nhất vẫn là tòa Chính điện Kính Thiên với dấu tích là các thềm bậc đá rồng chầu.